Giam lương, giữ lương NLĐ
Giam lương, giữ lương ở các doanh nghiệp là việc người sử dung lao động giữ lại một phần tiền lương của NLĐ sau mỗi tháng làm việc vì nhiều lý do khác nhau. Nhiều công ty chỉ giam lương nhiều nhất là 1 tuần, tuy nhiên có những công ty lại giam lương đến gần 20 ngày, vậy việc giam lương này có được pháp luật quản lý hay không? Mời tham khảo bài viết sau đây!
1. Giam lương có hợp pháp?
Điều 94 Bộ luật lao động 2019 có quy định về nguyên tắc trả lương như sau:
“1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.”
Tuy nhiên, giống như tất cả các điều khoản khác trong hợp đồng lao động, “giam lương” thực chất cũng là một thỏa thuận dân sự của hai bên. Việc trả lương đúng hạn này được hiểu là đúng hạn ghi trong hợp đồng. Kể cả khi NSDLĐ trả lương cho NLĐ vào cuối tháng làm việc tiếp theo, nhưng đó là thỏa thuận ngay từ đầu thì cũng không được coi là trà trả lương trễ hạn.
Dù Nghị định 145/2020/NĐ-CP có nhắc đến căn cứ trả lương theo tháng, theo giờ, theo ngày, nghĩa là mỗi lần trả lương NLĐ sẽ trả công cho 1 tháng làm việc, tuy nhiên vẫn không có căn cứ để nói rằng “trả lương theo tháng” nghĩa là cứ đến đúng cuối tháng phải trả tiền!
Có thể hiểu rằng việc giữ lại lương của người lao động thực chất không có quy định cụ thể để căn cứ áp dụng mà là thỏa thuận giữa hai bên, và trên thực tế thì những điều khoản dạng này sẽ được ghi nhận trực tiếp vào nội quy của công ty, chính vì vậy nếu NLĐ cảm thấy không hài lòng với phương thức trả lương chậm ngày, họ chỉ có thể chuyển sang làm ở nơi khác mà khó có thể thỏa thuận một điều khoản khác.
2. Vẫn có căn cứ để quy trách nhiệm
Tại Điều 17 BLLĐ 2019 có quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, trong đó có:
“2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”
Như vậy nếu chứng minh được rằng việc giam lương của NSDLĐ cũng là hình thức yêu cầu NLĐ phải đảm bảo bằng tiền để thực hiện hợp đồng thì sẽ có căn cứ để cơ quan chức năng tiến hành xử phạt cơ sở lao động, tuy nhiên hiện nay BLLĐ vẫn chưa có Nghị định xử phạt hành chính cụ thể.
Trước đây, hành vi này bị quy định xử phạt theo Điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP (Nghị định xử phạt hành chính áp dụng cho Bộ luật lao động 2012) với mức xử phạt lên tới 20 triệu đồng.
Ngoài ra, theo Khoản 4 Điều 97 BLLĐ 2019. thậm chí Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.