Theo quy định tại Điều 85 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện của pháp nhân như sau:
Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện tại Chương IX Phần này.
Theo Điều 137 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của pháp nhân như sau:
1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm
a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
2. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.
Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:
1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Để đại diện pháp nhân thực hiện giao dịch dân sự cần phải có tư cách đại diện, người đại diện có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân.
Theo đó, để giám đốc chi nhánh có thể thay mặt công ty ký hợp đồng thì giám đốc chi nhánh phải trở thành người đại diện theo pháp hoặc người đại diện theo ủy quyền của công ty và phạm vi đại diện của giám đốc chi nhánh phải bao gồm việc đại diện công ty ký hợp đồng.