Giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản để thi hành án

Chủ đề   RSS   
  • #548687 08/06/2020

    lamkylaw
    Top 100
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/10/2018
    Tổng số bài viết (660)
    Số điểm: 14232
    Cảm ơn: 10
    Được cảm ơn 612 lần


    Giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản để thi hành án

    Giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản để thi hành án

    CHU XUÂN MINH ( Thẩm phán TANDTC) - Bài viết này tập trung nghiên cứu vấn đề giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản để thi hành án. Tuy nhiên, cũng sẽ đề cập đến một số vấn đề có liên quan, kể cả về thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá.

    Quy định về thẩm quyền Tòa án theo vụ việc có quy định tại khoản 13 Điều 26 BLTTDS năm 2015 là “Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”. Riêng nội hàm của khoản 13 này đã có việc hiểu khác nhau. Trong thực tiễn xét xử cũng có nhận thức khác nhau về chủ thể có quyền khởi kiện đối với loại tranh chấp này. Chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự chỉ là Chấp hành viên và người mua được tài sản bán đấu giá nhưng theo quy định của Luật Đấu giá tài sản thì chủ thể được quyền khởi kiện rộng hơn nhiều.

    1.Phân biệt giao dịch bán đấu giá tài sản thông thường với bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án

    1.1. Bán đấu giá tài sản thông thường

    Đấu giá tài sản cũng là một loại hợp đồng mua bán tài sản. Đây là loại hợp đồng mua bán đặc biệt, khác với hợp đồng mua bán thông thường ở khâu xác định giá của tài sản. Việc xác định thỏa thuận về giá có sự tham gia của nhiều người mua, theo một trình tự quy định bảo đảm cho việc xác định giá bán cao nhất có thể.

    Xác định giao dịch đấu giá tài sản là loại hợp đồng mua bán tài sản là để áp dụng đúng pháp luật để giải quyết tranh chấp. Là một loại hợp đồng thì phải áp dụng pháp luật chung về hợp đồng, những vấn đề có quy định riêng thì mới áp dụng quy định riêng.

    Tại BLDS năm 1995, trong chương “Hợp đồng dân sự thông dụng” có Mục 1 quy định về “Hợp đồng mua bán tài sản”, trong Mục 1 có Phần III là “Một số quy định riêng về mua bán tài sản”. Trong Phần III này có 4 điều quy định về đấu giá tài sản là:

    – Điều 452. Bán đấu giá;

    – Điều 453. Thông báo bán đấu giá;

    – Điều 454. Thực hiện bán đấu giá;

    – Điều 455. Bán đấu giá bất động sản.

    Tại BLDS năm 2005 cũng có quy định về bán đấu giá tài sản với 4 điều luật, có nội dung như quy định tại BLDS năm 1995. Tại BLDS năm 2015, chỉ có quy định một điều về bán đấu giá tài sản nhưng cũng nằm trong Mục “Hợp đồng mua bán tài sản” là Điều 451 với nội dung:

    “Tài sản có thể được đem bán đấu giá theo ý chí của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Tài sản thuộc sở hữu chung đem bán đấu giá phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu chung, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

    Việc bán đấu giá tài sản phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia và được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản”.

    Sở dĩ trong BLDS năm 2015 chỉ còn quy định tại một điều có tính nguyên tắc, dẫn chiếu đến pháp luật về đấu giá tài sản vì theo chương trình xây dựng pháp luật thì Luật Đấu giá tài sản sẽ được thông qua ngay sau BLDS năm 2015. Luật Đấu giá tài sản đầu tiên là Luật Đấu giá tài sản năm 2016, có hiệu lực từ 01/7/2017. Trước khi có Luật Đấu giá tài sản năm 2016, pháp luật về đấu giá tài sản là BLDS năm 2005 và Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 14/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

    Các phân tích ở trên cho thấy bán đấu giá tài sản thông thường cũng là một loại hợp đồng mua bán tài sản nên tranh chấp về bán đấu giá tài sản thông thường là loại “Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự” quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS năm 2015.

    1.2. Bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự

    Trong thực tế xét xử, có việc hiểu sai quy định tại khoản 13 Điều 26 BLTTDS, cho rằng tranh chấp về kết quả bán đấu giá quy định tại khoản 13 cũng là tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản thông thường. Theo lời văn của Điều luật, cần phải hiểu quy định tại khoản 13 bao gồm hai loại tranh chấp là:

    – Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

    – Tranh chấp về thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

    Như vậy, việc bán đấu giá tài sản để thi hành án là khác với bán đấu giá thông thường, tranh chấp về kết quả bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự là tranh chấp quy định tại khoản 13 Điều 26, khác với tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản thông thường quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS.

    Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp bán đấu giá trong giai đoạn thi hành án là là bán đấu giá thuộc trường hợp quy định tại khoản 13 Điều 26 BLTTDS. Nếu các đương sự tự nguyện thi hành án, trong đó có việc đưa tài sản ra bán đấu giá thì việc đấu giá đó vẫn là đấu giá thông thường vì người có tài sản đấu giá vẫn là các đương sự chứ không phải là Chấp hành viên; quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong giao dịch bán đấu giá vẫn như các trường hợp bán đấu giá thông thường khác. Chỉ trong trường hợp bán đấu giá do cưỡng chế thi hành án thì mới là đấu giá quy định tại khoản 13 Điều 26 vì khác biệt cơ bản của trường hợp bán đấu giá này là người có tài sản bán đấu giá là Chấp hành viên, chủ sở hữu tài sản đã mất quyền là người có tài sản bán đấu giá, mất quyền là bên bán trong giao dịch mua bán tài sản.

    Ví dụ: Trong bản án chia thừa kế có quyết định phát mại căn nhà X là di sản thừa kế để chia bằng tiền cho 3 người thừa kế là A, B, C. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, 3 người thừa kế thỏa thuận thuê Công ty N là tổ chức đấu giá tài sản thực hiện việc bán đấu giá ngôi nhà X. Đây là việc bán đấu giá thông thường. Nếu có tranh chấp về hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản hay tranh chấp về kết quả bán đấu giá (hợp đồng mua bán tài sản đấu giá) thì đều là tranh chấp về hợp đồng thông thường, thuộc loại tranh chấp quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS.

    Trong trường hợp A là người đang quản lý ngôi nhà X không đồng ý việc phát mại nhà, B và C đã làm đơn yêu cầu thi hành án, Cơ quan thi hành án dân sự đã ra Quyết định thi hành án nhưng cũng vẫn ấn định một thời hạn để các đương sự tự nguyện thi hành. Nếu trong thời hạn tự nguyện này, các đương sự thỏa thuận ký hợp đồng dịch vụ với Công ty N như nêu ở trên thì tranh chấp xảy ra cũng vẫn thuộc trường hợp tranh chấp hợp đồng thông thường, thuộc loại tranh chấp quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS.

    Nếu đã hết thời gian ấn định để tự nguyện thi hành án mà các đương sự không tự nguyện thi hành, Cơ quan thi hành án đã có quyết định cưỡng chế thi hành án (kể cả trường hợp chưa có quyết định cưỡng chế nhưng đã có quyết định bảo đảm thi hành án) thì những người thừa kế không còn quyền ký hợp đồng thuê dịch vụ đấu giá nữa. Trường hợp này, người ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức bán đấu giá là Chấp hành viên, người được coi là người có tài sản đấu giá là Chấp hành viên. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá trong trường hợp này là tranh chấp về kết quả bán đấu giá theo quy định của pháp luật thi hành án, thuộc trường hợp quy định tại khoản 13 Điều 26 BLTTDS.

    2.Chủ thể có quyền khởi kiện về kết quả bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án (khoản 13 Điều 26 BLTTDS)

    2.1. Quy định khác nhau về chủ thể có quyền khởi kiện.

    Trong trường hợp tranh chấp bán đấu giá thông thường thì cũng như các tranh chấp hợp đồng khác, chủ thể có quyền khởi kiện là các bên tham gia hợp đồng, đó là bên bán, bên mua của hợp đồng bán đấu giá. Trong giao dịch mua bán tài sản đấu giá, bên bán là “Người có tài sản đấu giá”, bên mua là “Người tham gia đấu giá”. Người có tài sản bán đấu giá được quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản là “cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật”. Người tham gia đấu giá được quy định tại khoản 7 Điều 5 Luật Đấu giá là “cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện tham gia đấu giá để mua tài sản đấu giá theo quy định”. Trong số những người tham gia đấu giá thì có “Người trúng đấu giá” và “Người mua được tài sản đấu giá”. Người trúng đấu giá theo quy định tại khoản 8 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản là “cá nhân, tổ chức trả giá cao nhất so với giá khởi điểm hoặc bằng giá khởi điểm trong trường hợp không có người trả giá cao hơn giá khởi điểm khi đấu giá theo phường thức trả giá lên; cá nhân, tổ chức chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá đã giảm trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống”. Người mua được tài sản trúng đấu giá theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản là “người trúng đấu giá và ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản”.

    Tất cả các chủ thể tham gia vào giao dịch bán đấu giá tài sản thông thường nêu ở trên đều có quyền khởi kiện tranh chấp về giao dịch mà họ đã tham gia. Ngoài các chủ thể này, đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản cũng có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá. Đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản (nơi quản lý đấu giá viên) không phải là các bên tham gia hợp đồng mua bán đấu giá tài sản nhưng cũng như công chúng viên và tổ chức hành nghề công chứng, họ có trách nhiệm về giao dịch mà họ tham gia, phải bồi thường thiệt hại nếu có vi phạm và gây thiệt hại nên cũng có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá.

    Như vậy, trong trường hợp tranh chấp về hợp đồng mua bán đấu giá thông thường (là loại tranh chấp quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS) sẽ có rất nhiều chủ thể được quyền khởi kiện như nêu ở trên. Tuy nhiên, đối với yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án (là loại tranh chấp quy định tại khoản 13 Điều 26 BLTTDS) thì chủ thể có quyền khởi kiện được quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) là: “Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bản đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản”.

    Có quan điểm cho rằng quy định tại Điều 102 Luật Thi hành án dân sự là quy định thêm chủ thể được quyền khởi kiện chứ không phải chỉ có người mua được tài sản bán đấu giá và Chấp hành viên mới có quyền khởi kiện. Quan điểm này không có cơ sở vì “Người mua được tài sản bán đấu giá” vẫn là chủ thể luôn được xác định là có quyền khởi kiện về yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá chứ không phải đến Luật Thi hành án dân sự mới quy định thêm.

    Cũng cần lưu ý là Luật Thi hành án dân sự năm 2008 chưa sửa đổi thì quy định chủ thể có quyền khởi kiện hủy kết quả bán đấu giá là “Đương sự, Chấp hành viên”. Đương sự được quy định tại khoản 1 Điều 3 là người được thi hành án và người phải thi hành án. Như vậy, đối tượng được quyền khởi kiện tranh chấp về kết quả bán đấu giá của luật chưa sửa đổi cũng rộng hơn nhiều so với luật hiện hành. Vậy tại sao lại có sự sửa đổi không cho đương sự thi hành án, trong đó có người chủ sở hữu tài sản được quyền khởi kiện về việc bán tài sản của họ. Để giải đáp vấn đề này, cần nghiên cứu về vấn đề giải quyết khiếu nại và bồi thường của Nhà nước đối với thi hành án.

    2.2. Quy định về giải quyêt khiếu nại thi hành án và bồi thường của Nhà nước về thi hành án

    Theo quy định quyền khiếu nại về thi hành án tại Điều 140 Luật Thi hành án dân sự thì: “Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

    Tại Điều 142 quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án quy định các cấp giải quyết khiếu nại là:

    – Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;

    – Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;

    – Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp;

    – Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

    Đối với quyết định, hành vi thi hành án dân sự trong quân đội thì quy định các cấp giải quyết khiếu nại là:

    – Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu;

    – Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng;

    – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

    Các quyết định thi hành án, hành vi thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, của Chấp hành viên, các quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án không phải là các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Do đó, Tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính mà đối tượng là các quyết định về thi hành án dân sự và quyết định giải quyết khiếu nại các quyết định ấy.

    Người bị thiệt hại do quyết định thi hành án, hành vi thi hành án vi phạm pháp luật được bồi thường theo quy định của pháp luật về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo quy định tại Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 thì “Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường…”. Như vậy, yêu cầu bồi thường theo pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự nhưng Tòa án không phán quyết về những vi phạm hay không vi phạm của cơ quan nhà nước mà giải quyết vụ án bồi thường trên cơ sở đã có “văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường”. Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự được quy định tại Điều 12 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Trong các văn bản quy định tại Điều 12 có các văn bản như: quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (khoản 2); quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật (khoản 3); quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật (khoản 6)…

    2.3. Xác định chủ thể có quyền khởi kiện về kết quả bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế để thi hành án

    Quy định không cho các đương sự thi hành án, bao gồm cả chủ sở hữu tài sản được quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án có cơ sở pháp lý là họ đã được hưởng quyền khiếu nại, tố cáo theo pháp luật thi hành án dân sự và được quyền yêu cầu bồi thường theo pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tài sản bị bán đấu giá do cưỡng chế thi hành án là việc bán có sự can thiệp bằng quyền lực nhà nước, không còn hoàn toàn bình đẳng như các giao dịch dân sự khác. Bên bán không còn là chủ tài sản mà bên bán là Chấp hành viên nên trách nhiệm của người bán phải gắn với trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

    Quy định chỉ cho Chấp hành viên và người mua được tài sản bán đấu giá được quyền khởi kiện còn có cơ sở thực tiễn là: Người có tài sản bị cưỡng chế thi hành án là do họ chây ì không tự nguyện thi hành, thường là người đang quản lý tài sản. Do vậy, họ luôn có xu hướng muốn kéo dài việc tiếp tục quản lý, sử dụng tài sản bằng mọi cách. Nếu cho người có tài sản được quyền khởi kiện hủy kết quả bán đấu giá thì hầu như họ đều khởi kiện để kéo dài việc thi hành án, gây thiệt hại cho những người có quyền lợi hợp pháp khác.

    Quy định chỉ có Chấp hành viên và người mua được tài sản bán đấu giá được quyền khởi kiện là quy định riêng cho trường hợp đặc biệt là bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án. Đây là hai chủ thể đã ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Nếu có vi phạm dẫn đến giá quá cao, thiệt hại cho bên mua thì bên mua là người mua được tài sản bán đấu giá được quyền khởi kiện là hợp lý. Nếu có vi phạm dẫn đến giá quá thấp, gây thiệt hại cho chủ tài sản (chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng đất) và những người được thi hành án thì Chấp hành viên có quyền khởi kiện là hợp lý vì Cơ quan thi hành án và Chấp hành viên sẽ phải bồi thường thiệt hại.

    Có quan điểm cho rằng quy định chỉ có Chấp hành viên và Người mua được tài sản bán đấu giá được quyền khởi kiện chỉ có hiệu lực đến thời điểm Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành (01/7/2017) vì Luật Đấu giá tài sản không quy định hạn chế chủ thể khởi kiện như Luật Thi hành án dân sự nữa. Quan điểm này là không đúng. Luật Đấu giá tài sản có phạm vi điều chỉnh cả việc bán đấu giá tài sản thi hành án. Tuy nhiên, Luật đấu giá tài sản không có quy định riêng về chủ thể có quyền khởi kiện trong trường hợp bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án. Chỉ trong trường hợp luật quy định về cùng một vấn đề thì mới áp dụng quy định của luật ban hành sau (khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Do đó, quy định tại Điều 102 Luật Thi hành án dân sự vẫn tiếp tục có hiệu lực thi hành đồng thời với Luật Đấu giá tài sản. Khi xem xét việc bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án có đúng quy định của pháp luật không thì vẫn phải áp dụng Luật Đấu giá tài sản nhưng về quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá này thì vẫn phải áp dụng Điều 102 Luật Thi hành án dân sự.

    3.Một số lưu ý có liên quan

    3.1. Tranh chấp về thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá

    Tranh chấp quy định tại khoản 13 Điều 26 BLTTDS không phải chỉ có tranh chấp về kết quả bán đấu giá mà còn có tranh chấp về thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá. Tuy nhiên, đây là loại việc khác nên chủ thể có quyền khởi kiện cũng khác với loại việc yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá. Tất cả những người đã đăng ký mua tài sản bán đấu giá đều có quyền khởi kiện tranh chấp về thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá. Đây vẫn là việc bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án, có liên quan đến trách nhiệm của Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự nên được quy định là một trong hai loại tranh chấp tại khoản 13 Điều 26 chứ không phải khoản 3 Điều 26 BLTTDS.

    3.2. Tranh chấp hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án

    Cần phân biệt giữa hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với hợp đồng mua bán đấu giá tài sản. Hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản là hợp đồng giữa tổ chúc đấu giá tài sản với Chấp hành viên. Hợp đồng này không thuộc tranh chấp quy định tại khoản 13 Điều 26 BLTTDS. Nếu có tranh chấp về hợp đồng này thì dù là tài sản bán đấu giá do bị cưỡng chế thi hành án vẫn là tranh chấp hợp đồng dịch vụ thông thường quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS. Tuy có liên quan đến Chấp hành viên nhưng chủ thể tham gia hợp đồng này là bình đẳng nên phải giải quyết theo thủ tục bảo vệ quyền dân sự, bằng biện pháp dân sự.

    3.3. Tòa án không được vừa giải quyết về vi phạm vừa giải quyết về bồi thường như vụ án hành chính

    Trong vụ án hành chính, Tòa án vừa có quyền phán xét về quyết định hành chính, hành vi hành chính vừa có quyền phán quyết việc bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính hay hành vi hành chính ấy gây ra. Việc bồi thường do vi phạm của cơ quan thi hành án là bồi thường theo quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nên chỉ khi có Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì Tòa án mới thụ lý, giải quyết. Tòa án không phán quyết lại các nội dung mà cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết và ban hành Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Tòa án chỉ dựa trên cơ cở đã có kết luận về vi phạm để xác định việc bồi thường cụ thể. Do đó, khi giải quyết vụ án bồi thường của Nhà nước về thi hành án dân sự, Tòa án không xem xét lại các quyết định thi hành án, hành vi thi hành án có vi phạm pháp luật không và mức độ vi phạm vì đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

    3.4. Xác định Người có tài sản đấu giá và trường hợp Chấp hành viên trực tiếp bán đấu giá tài sản

    Trong trường hợp tài sản đấu giá là tài sản bị cưỡng chế thi hành án thì người có tài sản đấu giá không phải là chủ tài sản mà là Chấp hành viên (người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo quy định của pháp luật). Vì vậy, chủ tài sản theo luật là Chấp hành viên. Cần phải xác định đúng người có quyền để áp dụng đúng pháp luật. Ví dụ: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 49 Luật Đấu giá tài sản thì: “Trường hợp đấu giá tài sản theo phương thức trả giá lên, khi đã hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc đấu giá, hoặc có nhiều người tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá, hoặc có nhiều người trả giá nhưng chỉ có một người trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm thì tài sản được bán cho người đó nếu người có tài sản bán đấu giá đồng ý bằng văn bản”. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án thì “người có tài sản bán đấu giá đồng ý bằng văn bản” quy định ở trên là Chấp hành viên chứ không phải là chủ tài sản.

    Theo quy định của pháp luật thì có trường hợp Chấp hành viên trực tiếp bán đấu giá tài sản. Đó là các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi bổ sung năm 2014). Trong trường hợp này thì Chấp hành viên vẫn là Người có tài sản bán đấu giá.

    3.5. Lưu ý về phạm vi xét xử và xác định đương sự

    Để đồng bộ với quy định về giải  quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về thi hành án dân sự, BLTTDS năm 2015 chỉ quy định can thiệp bằng chế tài dân sự đối với “kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá”. Như vậy, phạm vi xét xử của Tòa án đối với tranh chấp về bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án không phải là toàn bộ giao dịch đấu giá tài sản; Tòa án không có thẩm quyền xem xét việc cưỡng chế thi hành án có đúng pháp luật hay không. Các quyết định, hành vi về thi hành án bị khiếu nại, tố cáo không thuộc phạm vi xem xét của Tòa án trong vụ án tranh chấp về kết quả bán đấu giá. Trong thực tế, có vụ án yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá mà bản án không cần dài quá 5 trang nhưng một Tòa án đã ban hành bản án sơ thẩm dài tới 35 trang vì phân tích, đánh giá về toàn bộ quá trình thi hành án. Đó là sai lầm về phạm vi xét xử.

    Về xác định đương sự trong vụ án tranh chấp về kết quả bán đấu giá do cưỡng chế thi hành án: Người có quyền khởi kiện là Chấp hành viên hoặc Người mua được tài sản bán đấu giá. Bị đơn là người mà nguyên đơn (người khởi kiện) cho rằng đã vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi của nguyên đơn. Như vậy, trong trường hợp bị đơn không phải là Đấu giá viên, là Tổ chức đấu giá tài sản thì Đấu giá viên và Tổ chức đấu giá tài sản phải được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đối với các đương sự thi hành án (người được thi hành án hoặc phải thi hành án) tuy không có quyền khởi kiện, nhưng khi đã có khởi kiện (của Chấp hành viên hoặc Người mua được tài sản bán đấu giá) thì các đương sự thi hành án cũng phải được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì việc hủy hay không hủy kết quả bán đấu giá có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

    Theo Tạp chí tòa án

     

    Cập nhật bởi lamkylaw ngày 08/06/2020 04:49:42 CH
     
    3240 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận