Giải đáp những câu hỏi thường gặp về việc tăng lương

Chủ đề   RSS   
  • #431692 25/07/2016

    BachHoLS
    Top 200
    Male
    Lớp 12

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/02/2016
    Tổng số bài viết (493)
    Số điểm: 18818
    Cảm ơn: 70
    Được cảm ơn 708 lần
    SMod

    Giải đáp những câu hỏi thường gặp về việc tăng lương

    Tăng lương là một trong những vấn đề mà người lao động hay cán bộ, công chức, viên chức quan tâm hàng đầu, bởi các chính sách liên quan đến vấn đề tiền lương không chỉ là nhu cầu thiết yếu đảm bảo cho cuộc sống của chính bản thân họ và gia đình, mà nó còn phản ánh được năng lực làm việc của họ.

    Những câu hỏi thường gặp liên quan đến việc tăng lương sẽ được giải đáp ngay sau đây:

    1. Có quy định mức tối thiểu cho mỗi lần tăng lương không?

    Câu trả lời là có.

    Đối với người lao động: Mức tăng tối thiểu là 5% so với mức lương hiện hành.

    Đối với cán bộ, công chức, viên chức: Tùy thuộc vào ngạch, bậc, chức vụ và hệ số cho mỗi bậc lương mà có mức tăng khác nhau nhưng tối thiểu là 242.000 đồng.

    2. Thời hạn tăng lương là bao lâu?

    Đối với người lao động: DN khi thành lập và hoạt động đều phải xây dựng thang lương, bảng lương đáp ứng 1 số nguyên tắc cơ bản sau:

    - Căn cứ vào tình hình sản xuất và lao động thực tế.

    - Bội số của thang lương là chênh lệch giữa mức lương của công việc yêu cầu trình độ cao nhất so với mức lương của công việc yêu cầu trình độ thấp nhất.

    - Số bậc của thang lương, bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc và chức danh đòi hỏi.

    - Khoảng cách chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề phải ít nhất bằng 5% và đảm bảo khuyến khích người lao động nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm.

    - Mức lương thấp nhất của công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

    - Mức lương thấp nhất của công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng.

    - Còn các công việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương trong điều kiện bình thường; các công việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương trong điều kiện bình thường.

    - Không có sự phân biệt đối xử khi xây dựng thang lương, bảng lương, đồng thời phải xây dựng tiêu chuẩn để xếp lương, điều kiện nâng bậc lương.

    - Định kỳ phải rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế và bảo đảm quy định pháp luật về lao động.

    - Phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại DN và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi xây dựng thang lương, bảng lương.

    Vì vậy, pháp luật không có quy định cụ thể thời hạn tăng lương cho người lao động mà vấn đề này do DN quyết định. Nên để biết cụ thể thì người lao động phải xem thang lương, bảng lương, tiêu chuẩn xếp lương, điều kiện nâng bậc lương của DN nơi mình đang làm.

    Đối với cán bộ, công chức viên chức:

    - Đối với chức danh chuyên gia cao cấp, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng của bảng lương thì sau 5 năm (tức đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng lên 1 bậc lương.

    - Đối với các đối tượng được xếp lương theo các bảng lương đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước; bảng lương đối với cán bô, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp Nhà nước; bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp Nhà nước và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát quy định tại Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11 nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh thì thời gian giữ bậc trong ngạch để xét nâng bậc lương như sau:

    + Các đối tượng xếp lương theo các ngạch từ loại A0 đến loại A3 của bảng lương đối với cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước; bảng lương đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp Nhà nước và chức danh xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, Kiềm sát: sau 03 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng lên 1 bậc lương.

    + Các đối tượng xếp lương theo các ngạch loại B, C của bảng lương đối với cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước; bảng lương đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp Nhà nướcnhân viên thừa hành, phục vụ: sau 02 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng lên 1 bậc lương.

    3. Cần phải đáp ứng điều kiện gì để được tăng lương?

    Đối với người lao động: Như nguyên tắc khi xây dựng thang lương, bảng lương đã đề cập ở trên, để biết phải đáp ứng điều kiện gì để được tăng lương, bạn cần xem Thang lương, bảng lương của DN nơi bạn đang làm.

    Điều kiện để nâng lương thông thường là sau 1 thời gian đủ dài (khoảng trên dưới 1 năm) để bạn vận dụng kiến thức, trình độ, cũng như cống hiến sức lực của mình vào công việc, bạn đóng góp nhiều vào hiệu quả công việc tại DN…

    Đối với cán bộ, công chức, viên chức: Sau thời hạn nhất định theo quy định trên và trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bô, công chức, viên chức.

    4. Trường hợp nào được nâng lương trước thời hạn?

    Câu trả lời này dành cho nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, đó là khi:

    - Lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ mà chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì được xét nâng 1 bậc lương trước thời hạn tối đa 12 tháng so với thời hạn quy định trên.

    Lưu ý: tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương trước hạn không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

    - Đã có thông báo nghỉ hưu theo quy định Nhà nước, hoàn thành nhiệm vụ được giao, chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh và chưa đủ điều kiện thời gian giữ bậc để nâng bậc lương thường xuyên tại thời điểm có thông báo nghỉ hưu, thì được nâng 1 bậc lương trước hạn 12 tháng so với quy định trên.

    5. Cùng làm việc trong cơ quan nhà nước, nhưng nếu chuyển công tác sang đơn vị khác có được tăng lương như bình thường không?

    Trong trường hợp chuyển công tác sang đơn vị khác, cùng là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp Nhà nước, ngành Tòa án, Viện kiểm sát thì việc tăng lương vẫn tiếp tục như bạn làm ở đơn vị cũ.

    Ví dụ: bạn làm ở cơ quan A từ ngày 01/6/2014 đến 01/6/2016 đã hưởng lương theo mức lương thuộc bậc 1, bạn được điều chuyển sang đơn vị khác là cơ quan B theo Quyết định chuyển đơn vị, thì lúc chuyển sang cơ quan B, bạn tiếp tục được tính cộng dồn thời gian giữ chức vụ, chức danh thuộc bậc 1 để tính thời hạn xét nâng lương. Như vậy, nếu bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ công việc của mình thì đến ngày 01/6/2017 bạn được xét tăng lương.

    Ngoài ra, có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến việc tăng lương, các bạn có thể đặt câu hỏi tại đây để được giải đáp.

    Căn cứ pháp lý:

    - Nghị định 49/2013/NĐ-CP

    - Nghị định 204/2004/NĐ-CP

    - Nghị định 17/2013/NĐ-CP.

    - Nghị định 14/2012/NĐ-CP.

    Tôi yêu Việt Nam! "Từ bao lâu tôi đã yêu nụ cười của bạn Từ bao lâu tôi đã yêu quê hương Việt Nam Những con đường nên thơ và những dòng sông ước mơ Từ trái tim xin 1 lời Tôi yêu Việt Nam"

     
    6251 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận