Mong mọi người tư vấn giúp trường hợp đối với các hóa đơn Giá trị gia tăng có khấu trừ thuế. Cụ thể:
Các giao dịch dưới 20 triệu đồng có yêu cầu Bên mua và Bên bán lập hợp đồng mua bán hàng hóa không? Nếu cần lập hợp đồng mua bán thì căn cứ vào văn bản pháp luật nào? Nếu không cần lập hợp đồng mua bán thì căn cứ vào văn bản pháp luật nào?
Mình có nghiên cứu nhưng thấy theo quy định hiện hành không có quy định trực tiếp là "mua bán hàng hóa thì phải có hợp đồng mua bán". Tuy nhiên thông qua các quy định về dân sự, thương mại, thuế hay trên thực tế thì khi có giao dịch mua bán hàng hóa thì phải có hợp đồng.
Thứ nhất, về khía cạnh hai bên giao dịch, hợp đồng mua bán là chứng cứ chứng minh có sự giao dịch và sự ràng buộc giữa hai bên, để khi có sự vi phạm thì đó là bằng chứng để yêu cầu bồi thường và phạt hợp đồng.
Thứ hai, về khía cạnh kinh tế - tài chính thì hợp đồng mua bán hàng hóa là căn cứ để cơ quan nhà nước quản lý về kinh tế, thị trường, về thuế... Do đó, nếu không lập hợp đồng thì có thể sẽ bị quy vào vi phạm như là trốn thuế hay là lập hóa đơn sai... (tùy vào hành vi thực tế) và có thể không được trừ chi phí sản xuất kinh doanh khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp vì không có gì chứng minh cho chi phí đó (theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC).
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Không có quy định bắt buộc phải lập thành văn bản. Nhưng trong kinh doanh thì tốt nhất nên lập văn bản để có giá trị chứng minh rõ ràng hơn.
Về giá trị thấp nhất của hợp đồng mua bán hàng hóa thì không có giới hạn, giá trị dựa vào giá trị thực tế của hàng hóa giao dịch và các chi phí liên quan tùy vào thỏa thuận các bên để lập hợp đồng mua bán.
Mọi người có quy định nào cụ thể hơn hỗ trợ mình không?