Ngày 29/12/ Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong giai đoạn từ 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018, trong đó có quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, in và phát hành…
Cụ thể, thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo, thời kỳ thanh tra từ đầu năm 2014 đến hết năm 2018.
Tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), TTCP thanh tra về sách giáo khoa (SGK), gồm việc quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, thẩm định, duyệt, xuất bản, in và phát hành SGK; việc quản lý, triển khai, thực hiện một số dự án đầu tư cho giáo dục, đào tạo.
TTCP đã thanh tra về công tác quản lý Nhà nước về SGK, được biên soạn theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội. Theo kết luận, sách giáo khoa được biên soạn, phát hành từ năm 2002 cơ bản đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ kịp thời tới mọi vùng miền trong cả nước. Nội dung sách giáo khoa ổn định, xuất bản, tái bản theo quy định của Luật xuất bản.
Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra, Bộ GD-ĐT không cung cấp được bản thảo mẫu SGK được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt để làm cơ sở đối chiếu SGK hiện hành với bản thảo mẫu, thể hiện việc buông lỏng trong công tác lưu trữ.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (Nhà xuất bản Việt Nam) cũng bị xác định có hàng loạt sai phạm, nhiều điểm bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch trong một số khâu liên quan in ấn, đăng ký giá bán…
Cụ thể, nội dung đáng chú ý nhất được kết luận nêu là nhà xuất bản đã "lạm dụng vị trí độc quyền", "lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường".
Nhà xuất bản bị cho rằng đã "lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền" - hành vi bị cấm theo Luật Cạnh tranh. Đơn vị xây dựng mức giá để đăng ký giá sai so với hướng dẫn cấp có thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm quy định về đăng ký giá sách giáo khoa.
TTCP cũng nêu rõ việc phát hành SGK qua các kênh phát hành đến tay người tiêu dùng qua nhiều bước trung gian nên chưa tiết kiệm được chi phí; tỷ lệ chiết khấu của SGK (25%) so với một số mặt hàng độc quyền, thiết yếu khác phải kê khai giá thì tỷ lệ chiết khấu này còn cao, chưa hợp lý. NXB chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu của Bộ GD-ĐT nhưng đã thực hiện tăng giá SGK từ năm học 2019 - 2020.
Kết quả kiểm tra, xác minh tại Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cho thấy: Giai đoạn 2014-2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in sách giáo khoa, hạch toán có sai sót, theo tính toán của Thanh tra Chính phủ, vì những việc này, với số sách đã tiêu thụ, gia đình các học sinh phải mua sách giáo khoa cao hơn giá sách đăng ký đúng là khoảng 85 tỷ đồng.
Căn cứ kết quả thanh tra, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin 2 nội dung sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định.
Thứ nhất, nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Thứ hai, nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Xem chi tiết Thông báo 2303/TB-TTCP ngày 28/12/2022 tại file đính kèm bên dưới.