Giả mạo công an gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì xử phạt ra sao

Chủ đề   RSS   
  • #608130 12/01/2024

    hieu2421999

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:15/12/2023
    Tổng số bài viết (11)
    Số điểm: 55
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Giả mạo công an gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì xử phạt ra sao

    Gần đây hay xuất hiện những cuộc gọi từ những kẻ mạo danh công an nhằm thực hiệc hành vi lừa đảo. Vậy thì việc xử lý đối với trường hợp trên được quy định như thế nào? Chị Minh Nguyệt (Bạc Liêu).

    Giả mạo công an gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì xử phạt ra sao?

     

    Những năm gần đây, ngày càng xuất hiện thêm nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi nhằm âm mưu chiếm đoạt tài sản từ những kẻ lừa đảo.

    Trong số đó phải kể đến trường hợp giả mạo công an nhân dân, sau đó đặt thông tin người được gọi liên quan đến một vụ việc đang bị điều tra, dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP… Từ đó chiếm đoạt tài sản của bị hại.

    Theo quy định pháp luật thì trường hợp trên phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm a khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:

    - Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

    Theo đó, nếu giả mạo công an để chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

    Tuy nhiên, có những điểm khác biệt về tính nghiêm trọng của vụ án khi so sánh với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông thường và việc giả mạo công an  nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Các nhóm đối tượng này đã có hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản, hơn nửa số người bị hại thông thường không dừng lại ở con số 1

    Cho nên, hành vi mạo danh công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác có thể thuộc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, và bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

    Nếu số tiền chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao nhất có thể lên đến mức tù chung thân

    Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Những hình thức gọi điện thoại giả mạo nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến hiện nay

    Theo Bộ Công an thì những hình thức gọi điện thoại nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến hiện nay bao gồm:

    (1) Mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân dưới đây là các hình thức lừa đảo qua điện thoại phổ biến mà người dân cần tránh tiếp xúc:

    (2) Giả danh cán bộ của các cơ quan như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Cảnh sát giao thông… bịa đặt thông tin người được gọi liên quan đến một vụ việc đang bị điều tra, dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP

    (3) Giả danh người của các công ty, doanh nghiệp, ngành nghề (như bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về; yêu cầu muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền; hoặc điền các thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do các đối tượng gửi đến, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

    (4) Mạo danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp sim 4G - 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại... Khi lấy được lòng tin của bị hại và bị hại làm theo hướng dẫn của đối tượng, chúng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của bị hại, cung cấp tài khoản ngân hàng... từ đó chiếm đoạt tài sản.

    Cần cảnh giác trước chiêu trò giả mạo công an nhằm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    Thực tế, tình trạng lừa đảo này và những hình thức lừa đảo qua điện thoại tương tự khác đang ngày càng một gia tăng với những thủ đoạn phạm tội ngày càng một tinh vi và rất khó để nhận biết.

    Vậy nên, cần nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ví nhụ như những cuộc gọi với tên hoặc số lạ hay những trường hợp mạo danh cá nhân như công an, cán bộ của các cơ quan như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Cảnh sát giao thông,... nhằm dụ dỗ, ép buộc thực hiện chuyển tiền đến cho các nhóm tội phạm.

    Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, CCCD, CMND, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

    Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu phạm tội, cố gắng giữ cho bản thân được bình tĩnh, không lo sợ và hãy nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn.

    Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

    Tham khảo bài viết tại Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.

     
    202 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận