Gắn điện thoại lên xe máy để xem map có bị phạt không?

Chủ đề   RSS   
  • #610101 30/03/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 22234
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 461 lần
    SMod

    Gắn điện thoại lên xe máy để xem map có bị phạt không?

    Vì tính chất công việc, hiện nay các tài xế xe ôm công nghệ gắn điện thoại lên đầu xe để xem Google Map chỉ đường. Như vậy, theo đúng quy định của pháp luật có được gắn điện thoại lên xe máy để xem chỉ dẫn không? Nếu không được, hành vi này sẽ bị xử lý thế nào?

    Gắn điện thoại lên xe máy để xem map có bị phạt không?

    Theo Khoản 3 Điều 30 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:

    - Đi xe dàn hàng ngang;

    - Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

    - Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;

    - Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;

    - Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

    - Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

    Như vậy, khi di chuyển, người điều khiển phương tiện có hành vi nhìn vào điện thoại được gắn lên xe xem map hoặc sử dụng điện thoại với bất kỳ mục đích nào khác sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

    Gắn điện thoại lên xe máy bị phạt bao nhiêu?

    Theo quy định tại điểm h Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:

    Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đồng đối với hành vi: đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

    Như vậy, dù chỉ nhìn vào điện thoại để xem map (nhìn cũng là sử dụng) khi xe đang di chuyển thì tài xế vẫn sẽ có thể bị phạt từ 800 - 1.000.000 đồng. Đương nhiên, tất cả các hành vi sử dụng điện thoại khác khi đang điều khiển xe cũng sẽ bị phạt từ 800 - 1.000.000 đồng.

    Nộp phạt vi phạm giao thông như thế nào? Nộp chậm có bị tính lãi không?

    Hình thức nộp phạt vi phạm giao thông

    Theo Điều 3 Thông tư 18/2023/TT-BTC quy định về hình thức thu, nộp tiền phạt vi phạm như sau:

    - Cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau đây:

    + Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt;

    + Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

    + Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

    + Thông qua dịch vụ bưu chính công ích.

    - Trường hợp nộp tiền phạt bằng tiền mặt trực tiếp, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc người có thẩm quyền thu tiền phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP xác nhận trên chứng từ thu, nộp tiền phạt.

    - Trường hợp nộp tiền phạt bằng hình thức chuyển khoản, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày người nộp tiền phạt nhận được thông báo giao dịch tiếp nhận khoản tiền nộp phạt thành công từ ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để nộp vào ngân sách nhà nước.

    Nộp phạt chậm có bị tính lãi không?

    Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC  quy định về thủ tục thu tiền chậm nộp phạt vi phạm như sau: 

    - Quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

    - Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

    - Không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp sau:

    + Trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

    + Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.

    - Cơ quan thu tiền phạt căn cứ vào quyết định xử phạt, số ngày chậm nộp phạt để tính và thu tiền chậm nộp phạt khi cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt vi phạm hành chính.

    Trường hợp cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt bằng hình thức chuyển khoản quy phải căn cứ vào quyết định xử phạt, số ngày chậm nộp phạt để tính và nộp tiền chậm nộp phạt.

    Như vậy, người vi phạm giao thông có thể nộp phạt trực tiếp, chuyển khoản hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Đồng thời, nếu chậm nộp phạt sẽ bị thu lãi chậm nộp theo quy định.

    Xem thêm: 

    Mũ bảo hiểm đạt chuẩn phải đáp ứng những yêu cầu gì?

    Xe ôm có bị phạt khi khách ngồi sau tự ý tháo mũ bảo hiểm?

    CSGT có được xử phạt vi phạm thông qua video đăng tải trên MXH?

     
    2156 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận