Chào bạn, đọc vấn đề của bạn thì mình cũng có một số điều chia sẻ như sau:
1. Về việc học các ngành luật: thực tế là chẳng có ai giỏi hết tất cả các ngành luật, có thể có người biết nhiều hơn người khác, nhưng để nói rằng giỏi thì chắc chắn rằng không có ai.
Thực tế, nếu xem phim hay đọc sách, báo, tài liệu, các bạn sẽ thấy ở Châu Âu (Anh, Pháp, Đức ...) hay bên Mỹ, luật sư chỉ chuyên một hoặc một vài lĩnh vực nhất định. Thậm chí, trong mảng hôn nhân có nơi còn phân chia ra: có luật sư chuyên kết hôn (hợp đồng hôn nhân), có luật sư chuyên ly hôn (phân chia tài sản).
Do đó, việc bạn chỉ thích một vài môn, còn lại vài môn không thích, vài môn rất ghét là chuyện bình thường. Không có việc gì phải lo cả. Vấn đề bạn cần quan tâm là: với môn mà bạn nói rằng bạn "yêu thích" bạn có thật sự bỏ thời gian ra để nghiên cứu, tìm hiểu nó hay không.
Mặt khác, với những ngành luật bạn không thích, thậm chí ghét, thì bạn cũng cần phải có một sự hiểu biết nhất định, chứ không phải bỏ mặc không quan tâm. Điều này là bởi hầu hết các ngành luật đều có sự liên quan lẫn nhau. Và có một gợi ý cho bạn, đó là hãy học thật tốt các môn nền tảng, đó là "lý luận nhà nước và pháp luật", "triết học".
Có thể các bạn thấy hai môn này khá chán, nhưng chán cỡ nào thì cũng hãy nhét nó vào đầu, vì nó sẽ cung cấp cho bạn phương pháp luận khi giải quyết các vấn đề pháp lý. Học tốt hai môn này (hoặc ít nhất là môn lý luận) thì bạn mới có thể học tốt các môn luật.
2. Để học giỏi một môn luật thì cần làm gì: đầu tiên là bạn cần phải thích môn đó, việc yêu thích này phải đủ lớn để bạn bỏ thời gian cho nó. Bạn không thể học giỏi một môn luật nếu như thay vì ngồi đọc sách nghiên cứu về nó, bạn lại đi chơi đá banh hay đánh DotA.
Thứ hai, bạn cần phải có phương pháp nghiên cứu đúng. Đây là khi mà bạn sử dụng kiến thức của môn lý luận và môn triết: hai môn này sẽ cung cấp cho bạn phương hướng để bạn nghiên cứu: văn bản luật này sẽ có những phần nào,;nội dung mỗi phần sẽ nói về việc gì; những phần nào trong văn bản là quan trọng, lý do tại sao lại quy định như vậy; nội dung này sẽ được hướng dẫn, quản lý bởi cơ quan nào khác ...
khi nghiên cứu về môn học của mình, hãy tìm hiểu xem "bạn sẽ làm gì với nó" hay "người khác sẽ sử dụng quy định này như thế nào" hay "thực tế các vụ việc xảy ra đã vận dụng quy định này ra sao"...
Những thông tin này bạn sẽ có thể tìm được rất nhiều trên mạng, trong các tài liệu, tạp chí; tuy nhiên, hãy lưu ý rằng cần phải đọc một cách chọn lọc.
Học luật mà chỉ để luật trong giấy thì bạn sẽ không thể nào hiểu được nó (và trong thực tế thì có thể bạn sẽ nghe từ "luật trời" - luật do người ở trên trời tạo ra, và chẳng thể nào áp dụng được. Đó là hệ quả của việc làm luật trên giấy.
Bởi vậy, nếu muốn giỏi, bạn hãy tìm hiểu thực tế, chứ đừng chỉ chăm chăm vào sách giáo trình và văn bản luật.
3. Về các môn luật mới xuất hiện: giống như ở trên, bạn có thể không tập trung nhiều vào nó (đủ qua là được), nhưng bạn vẫn cần phải biết, vì các môn luật đều có một sự liên quan nhất định với nhau. Đặc biệt là nếu bạn yêu thích môn dân sự, bạn sẽ phải tìm hiểu hầu hết tất cả các quy định pháp luật, bởi lẽ hầu hết tất cả các quy định pháp luật đều nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ dân sự/có liên quan đến quan hệ dân sự.
4. Bạn muốn ra trường có thể đi làm liền: vậy thì việc bạn cần làm bây giờ là đi kiếm việc làm. Kinh nghiệm không phải là tất cả khi kiếm việc, nhưng nếu không có kinh nghiệm thì bạn khó có thể làm việc được (kể cả việc tay chân thì cũng cần phải có kinh nghiệm bạn mới có thể làm tốt được).
Việc làm đương nhiên càng liên quan đến ngành học của bạn càng tốt. Vd như một số công ty luật có tuyển (vào mùa hè) sinh viên đi làm việc giao nhận hồ sơ (ra tòa, đăng ký QSDĐ, khai thuế ...), công việc này khá tốt cho sinh viên, để có thể có cơ hội tiếp xúc với thủ tục hành chính trong thực tế, tiếp xúc các vụ việc thực tế liên quan đến quy định mà bạn đọc được .
(Tuy nhiên, việc này thường tuyển sinh viên năm ba, còn bạn là sinh viên năm hai thì có thể sẽ khó được nhận).
5. Còn về lời khuyên thì nãy giờ đã nói nhiều rồi, giờ thì mình chỉ tóm lại một câu thôi "nếu bạn muốn làm luật sư tư vấn chứ không phải một "công nhân tư vấn" vậy thì bạn cần phải có kinh nghiệm, và có kiến thức thực tế - chứ không phải chỉ là sự hiểu biết thuần túy về văn bản".