Từ đầu năm tới nay, cáp AAG đã bị đứt hai lần, và phải mất không dưới 15 ngày để sửa chữa. Năm ngoái, cáp AAG cũng bị đứt vào tháng 7 và 9. Việc mạng chậm ảnh hưởng đến công việc của nhiều cá nhân, tổ chức. Thế nhưng, mỗi lần đứt cáp quang, hầu như người tiêu dùng không nhận được bất cứ lời xin lỗi nào từ nhà mạng, cũng như không có bất cứ biện pháp bồi thường nào cho khách hàng. Rồi khách hàng thì cũng “dễ tính", mạng chậm chỉ biết than thở và đòi “làm thịt” con cá mập nào cắn cáp, chứ không nghĩ tới việc sẽ bắt nhà mạng xin lỗi, bồi thường thế nào. Thực tế, khách hàng có đầy đủ quyền lợi để yêu cầu điều đó.
Khi cung cấp các gói dịch vụ cho khách hàng, nhà mạng cam kết sẽ đảm bảo tốc độ đường truyền tối thiểu. Theo Điểm c Khoản 1 Điều 16 Luật Viễn thông 2009, người sử dụng dịch vụ viễn thông có quyền được “Sử dụng dịch vụ viễn thông theo chất lượng và giá cước trong hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông” và đồng thời, tại Điểm e cũng khẳng định người dùng được “ Khiếu nại về giá cước, chất lượng dịch vụ; được hoàn trả giá cước và bồi thường thiệt hại trực tiếp khác do lỗi của doanh nghiệp viễn thông hoặc đại lý dịch vụ viễn thông gây ra.” Mặt khác, tại Khoản 4 Điều 524 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, trong trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thoả thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, người dùng có quyền khiếu nại, yêu cầu nhà mạng xin lỗi cũng như bồi thường cho mình. Đầu tiên, khách hàng nên liên hệ trực tiếp với nhà mạng đang cung cấp dịch vụ cho mình, chứng minh chất lượng đường truyền không đáp ứng đúng thỏa thuận và từ đó yêu cầu bồi thường thiệt hại như trừ đi tiền cước những ngày mạng châm…
Người tiêu dùng mình thường cam chịu, ngại khiếu nại. Chính vì thế mà nhiều doanh nghiệp đã “được nước làm tới”, lấn áp khách hàng.