Căn cứ theo Khoản 1 Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 quy định về đối tượng chịu thuế như sau:
“Điều 2. Đối tượng chịu thuế
1. Hàng hóa:
a) Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;
b) Rượu;
c) Bia;
d) Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;
đ) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;
e) Tàu bay, du thuyền;
g) Xăng các loại, nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng;
h) Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;
i) Bài lá;
k) Vàng mã, hàng mã.”
Theo đó, du thuyền được quy định là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, tại Khoản 3 Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014) quy định như sau:
Du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch là đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ví dụ: dù công ty A nhập khẩu du thuyền về bán lại cho công ty kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách. Nhưng công ty A là bên trực tiếp nhập khẩu và mục đích của công ty là bán lại cho bên thứ ba mà không phải để kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch. Vì vậy, du thuyền này vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Do đó, công ty A vẫn phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt trong trường hợp nhập khẩu du thuyền về để bán lại.