Dự thảo Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên

Chủ đề   RSS   
  • #488334 30/03/2018

    Lilynguyen1608
    Top 500
    Female
    Lớp 3

    Quảng Ngãi, Việt Nam
    Tham gia:29/11/2017
    Tổng số bài viết (286)
    Số điểm: 4109
    Cảm ơn: 24
    Được cảm ơn 56 lần


    Dự thảo Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên

    Hiện nay, hoạt động bán đấu giá chủ yếu do đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp thực hiện. Đấu giá viên là một chức danh bổ trợ tư pháp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện được quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (Nghị định số 17/2010/NĐ-CP).

    Trong quá trình hành nghề đấu giá, có những hoạt động chỉ mình đấu giá viên trực tiếp thực hiện, có hoạt động đấu giá viên giữ vai trò chính, hướng dẫn và phối hợp với chuyên viên khác cùng thực hiện. Có thể nói đấu giá viên giữ vai trò vị trí trung tâm, vai trò nòng cốt trong hoạt động bán đấu giá. Mọi cuộc bán đấu giá đều phải do đấu giá viên điều hành và đấu giá viên là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc bán đấu giá. Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đấu giá viên cần có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và những kỹ năng nghề nghiệp. Với đặc thù là một nghề bổ trợ tư pháp, ngoài việc tuân thủ pháp luật đấu giá viên còn phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong quá trình hành nghề.

    Bộ Tư pháp cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, hoạt động bán đấu giá tài sản vẫn còn một số tồn tại. Một trong những hạn chế đó là chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản trong bối cảnh kinh tế thị trường.

    Để triển khai quy định của Luật đấu giá tài sản có hiệu quả, đồng bộ, trong bối cảnh hiện nay khi tổ chức xã hội-nghề nghiệp của đấu giá viên chưa được thành lập thì việc xây dựng, ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên để điều chỉnh về những chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của đấu giá viên trong hành nghề là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định pháp luật về đấu giá tài sản, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực của đội ngũ đấu giá, chất lượng hoạt động hành nghề đấu giá.

     

     

    Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của đấu giá viên trong hành nghề đấu giá, là cơ sở để đấu giá viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp của đấu giá viên, nâng cao uy tín của hoạt động đấu giá tài sản trong xã hội.

    Dự thảo Thông tư Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên gồm 4 Chương, 13 Điều, cụ thể như sau:

    - Chương I (Quy tắc chung) gồm 5 Điều từ Điều 1 đến Điều 5 quy định về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nguyên tắc hành nghề đấu giá viên, tôn trọng, bảo vệ uy tín nghề nghiệp, rèn luyện, tu dưỡng bản thân và trách nhiệm nghề nghiệp.

    - Chương II (Quan hệ với người có tài sản, người tham gia đấu giá, tổ chức nơi hành nghề) gồm 03 Điều từ Điều 6 đến Điều 8 quy định về quan hệ của đấu giá viên với người có tài sản, quan hệ của đấu giá viên với người tham gia đấu giá và quan hệ của đấu giá viên với tổ chức nơi hành nghề.

    - Chương III (Quan hệ với đồng nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp đấu giá, cá nhân, tổ chức khác) gồm 3 Điều từ Điều 9 đến Điều 11 quy định về quan hệ của đấu giá viên với đồng nghiệp, quan hệ của đấu giá viên với tổ chức xã hội – nghề nghiệp đấu giá viên và quan hệ của đấu giá viên với cá nhân, tổ chức khác.

    - Chương IV (Kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý vi phạm) gồm Điều 12 và Điều 13 quy định về kiểm tra, giám sát việc tuân thủ Quy tắc đạo đức nghề đấu giá viên, khen thưởng và xử lý vi phạm.

    Đồng thời, Dự thảo Quy tắc cũng quy định cụ thể về những việc đấu giá viên không được làm trong quan hệ với người có tài sản bán đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản và với tổ chức nơi hành nghề, với đồng nghiệp, với người tập sự hành nghề đấu giá.

    1.Về quan hệ của đấu giá viên với người có tài sản

    Dự thảo Quy tắc quy định đấu giá viên không được thông đồng, móc nối với người có tài sản để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; không được đưa, nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

    Trong trường hợp đấu giá viên phát hiện người có tài sản đấu giá thông đồng, móc nối với cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản, nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ tổ cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì phải có ý kiến với tổ chức đấu giá tài sản; trường hợp cần thiết thì phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

    2. Về quan hệ của đấu giá viên với người tham gia đấu giá

    Dự thảo Quy tắc quy định đấu giá viên không được thông đồng, móc nối, nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người tham gia đấu giá tài sản để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; không được có hành vi hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá tài sản; không được phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính, tuổi tác giữa những người tham gia đấu giá tài sản khi họ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật để tham gia đấu giá tài sản, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa những người tham gia đấu giá tài sản.

    Trường hợp đấu giá viên phát hiện người tham gia đấu giá cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản, cản trở hoạt động đấu giá tài sản, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá, đe dọa, cưỡng ép người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì phải truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá hoặc dừng cuộc đấu giá, báo cáo tổ chức nơi mình hành nghề để có giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, Dự thảo Quy tắc quy định đấu giá viên không được tiết lộ thông tin mà mình biết được về người tham gia đấu giá, giá mà người tham gia đấu giá đã trả trước khi công bố kết quả đấu giá trong trường hợp cuộc đấu giá được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    3.Về quan hệ của đấu giá viên với tổ chức nơi hành nghề

    Dự thảo Quy tắc quy định đấu giá viên phải tuân thủ nội quy, quy chế của tổ chức nơi hành nghề, chấp hành sự quản lý, phân công của tổ chức; có trách nhiệm tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thông qua tổ chức nơi hành nghề để dự phòng giải quyết rủi ro, tai nạn nghề nghiệp.

    Trong hoạt động hành nghề mà đấu giá viên phát hiện tổ chức nơi mình hành nghề thông đồng, móc nối để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá, kết quả đấu giá tài sản; cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi, nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết để xử lý theo quy định của pháp luật.

    3.Về quan hệ của đấu giá viên với đồng nghiệp

    Dự thảo Quy tắc quy định đấu giá viên có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự của đồng nghiệp, không được gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội với đồng nghiệp để giành lợi thế cho mình trong hành nghề; có trách nhiệm giám sát và giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động hành nghề, tận tâm và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hành vi sai trái trong hoạt động đấu giá tài sản trên cơ sở tôn trọng đồng nghiệp, tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp và hoạt động xã hội khác do Nhà nước, tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tổ chức hoặc phát động nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của nghề đấu giá.

    4.Về quan hệ của đấu giá viên với người tập sự hành nghề đấu giá

    Trong hoạt động hành nghề, trên cơ sở quy định của Luật đấu giá tài sản về hướng dẫn tập sự hành nghề đấu giá, Dự thảo Quy tắc quy định đấu giá viên có bổn phận tham gia vào công tác hướng dẫn thực tập nghề đấu giá, nêu cao trách nhiệm, tận tâm truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp đối với người thực tập nghề đấu giá. Đấu giá viên hướng dẫn thực tập không được đòi hỏi lợi ích vật chất, tiền bạc từ người thực tập nghề đấu giá, thông đồng với người thực tập nghề đấu giá để báo cáo sai sự thật, báo cáo khống về kết quả thực tập nghề đấu giá, lợi dụng tư cách là đấu giá viên hướng dẫn để buộc người thực tập phải làm những việc không thuộc phạm vi thực tập hoặc những hành vi vi phạm pháp luật trái đạo đức xã hội nhằm đạt được những lợi ích cho mình.

    Ngoài ra, trong mối quan hệ với cá nhân, tổ chức khác, Dự thảo Quy tắc cũng quy định đấu giá viên có thái độ lịch sự, tôn trọng các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động hành nghề. Đấu giá viên không được thông đồng, móc nối với tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản.

    - Đấu giá viên gương mẫu trong thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên thì được Nhà nước, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên ghi nhận và vinh danh.

    - Đấu giá viên thực hiện không đúng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá  thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo Điều lệ của tổ chức xã hội- nghề nghiệp của đấu giá viên, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    Trên đây là những điểm đáng chú ý của Dự thảo Thông tư Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên do Bộ Tư pháp soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

    >>> Xem toàn văn Dự thảo tại file đính kèm.

    Ban hành kèm theo Thông tư này Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên.

    Cập nhật bởi Lilynguyen1608 ngày 30/03/2018 05:31:28 CH Cập nhật bởi Lilynguyen1608 ngày 30/03/2018 05:30:37 CH

    Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc.

     
    7105 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận