Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 89/2023/QH15 xác định Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào vào tháng 10 năm 2024. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong thực hiện các cam kết, khuyến cáo của quốc tế về bảo đảm và thực thi quyền con người nói chung, quyền của cộng đồng LGBT nói riêng, đồng thời thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với cộng đồng người chuyển giời tại Việt Nam.
Định nghĩa về người chuyển đổi giới tính
Theo Khoản 7 Điều 3 Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính quy định “Người chuyển đổi giới tính là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận giới tính mới theo quy định tại Luật này”
Như vậy, cá nhân được xem là người chuyển đổi giới tính khi và chỉ khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận giới tính mới theo quy định, trình tự thủ tục nhất định. Một người đã trải qua quá trình can thiệp y học để chuyển đổi giới tính nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận thì không được xem là người chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật.
Quyền người chuyển đổi giới tính
Điều 7 Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính quy định 15 quyền của người chuyển đổi giới tính, cụ thể như sau:
- Được công nhận giới tính mới sau khi đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật này;
- Được lựa chọn phương pháp can thiệp y học để chuyển đổi giới tính phù hợp với sức khỏe, mong muốn và khả năng tài chính của mình;
- Được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, y tế và pháp lý trước và trong quá trình thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;
- Có đầy đủ quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan;
- Được giữ nguyên quan hệ cha, mẹ, con cũng như quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân gia đình trước khi chuyển đổi giới tính bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi;
- Được lưu giữ tinh trùng, trứng để duy trì nòi giống thông qua các dịch vụ sinh sản phù hợp với đạo lý và pháp luật Việt Nam.
- Được tham gia các hoạt động hiến máu và các chế phẩm máu, hiến tế bào gốc, hiến mô tạng một cách tự nguyện nếu có đủ sức khỏe và đảm bảo an toàn hiến tặng theo quy định của pháp luật;
- Được bảo lưu thông tin trên các văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trước khi chuyển đổi giới tính;
- Được công nhận quyền tài sản đối với tài sản tạo lập trước khi chuyển đổi giới tính. Trường hợp trên giấy chứng nhận quyền tài sản có thông tin giới tính thì cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền tài sản có nghĩa vụ điều chỉnh thông tin giới tính theo giới tính được công nhận của người chuyển đổi giới tính;
- Được hưởng các chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và quy định của pháp luật khác có liên quan phù hợp với giới tính đã chuyển đổi.
- Được tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật phù hợp với giới tính mới;
- Được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các quyền riêng tư khác theo quy định của pháp luật;
- Được thay đổi thông tin giới tính trên các giấy tờ tùy thân sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính;
- Được bảo đảm quyền học tập, lao động và hòa nhập gia đình, xã hội theo giới tính đã được công nhận;
- Được bảo đảm các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Trên đây là nội dung về quyền của người chuyển đổi giới tính theo Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được lấy ý kiến trình Quốc hội trong thời gian tới. Những nội dung trên đây có thể bị sửa đổi, khác biệt khi Dự thảo luật được thông qua.