Đây là nội dung nổi bật tại Dự thảo Nghị định quy định về chính sách tín dụng và hoàn trả khoản vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên sư phạm vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 03/11/2018.
Quy định mới sẽ không còn miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm mà thay bằng chính sách cho vay tín dụng.
Theo đó, tín dụng sư phạm (khoản 1 Điều 3) là chính sách cho vay đối với học sinh, sinh viên sư phạm để hỗ trợ chi trả chi phí đào tạo phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học ngành đào tạo giáo viên.
Mức vốn cho vay (Điều 7) bao gồm: học phí (bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học) và sinh hoạt phí (tối đa 3,5 triệu đồng/tháng)
Mặc dù vay tín dụng nhưng sinh viên có thể không phải trả khoản vay tín dụng (khoản 2 Điều 4) nếu làm việc trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định là tối thiểu 5 năm (khoản 1 Điều 13).
Trường hợp không công tác trong ngành giáo dục trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp thì người vay có trách nhiệm hoàn trả khoản vay tín dụng nêu trên (khoản 2 Điều 13).
Quy định này được cho là sẽ khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm ra trường nhưng không công tác trong ngành giáo dục, gây lãng phí lớn nguồn ngân sách dùng cho việc miễn học phí.
Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều trường hợp sinh viên lựa chọn sư phạm với lý do không đóng học phí, nếu quy định bỏ miễn học phí sẽ giảm sức hút, cạnh tranh của ngành sư phạm.
Riêng trường hợp người học là cán bộ, công chức, viên chức và người học theo chế độ cử tuyển sẽ không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này.
Cập nhật bởi DuTiepKhac ngày 05/11/2018 09:40:34 SA
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!