Đến nay, Luật HN&GĐ 2000 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến sự ổn định của các quan hệ HN&GĐ; việc thực hiện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân về HN&GĐ; hạn chế hiệu quả của công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vực HN&GĐ. Do đó, việc sửa đổi Luật HN&GĐ là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định, thống nhất cho việc xây dựng và hoàn thiện chế độ HN&GĐ Việt Nam; góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.
Dân Luật xin gửi đến bạn đọc những điểm mới tại Dự thảo sửa đổi Luật HN&GĐ lần này.
Phần 1: Những quy định chung
1. Nguyên tắc cơ bản của chế độ HN&GĐ
- Bổ sung nguyên tắc:Truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về HN&GĐ được kế thừa và phát huy;
- Khẳng định Nhà nước và xã không không thừa nhận phân biệt về giới trong gia đình;
- Ghi nhận thêm nguyên tắc Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật.
2. Trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với HN&GĐ
Bổ sung thêm điều khoản trách nhiệm cho Chính phủ: Chính phủ có trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác gia đình; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về gia đình; bình đẳng trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc
3. Bảo vệ chế độ HN&GĐ
Nhằm bảo vệ chế độ HN&GĐ một cách đúng nghĩa nên dự thảo có bổ sung thêm quy định cấm: Cấm lợi dụng việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc vì mục đích trục lợi khác.
4. Quy định chi tiết áp dụng tập quán về HN&GĐ
- Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán về HN&GĐ được áp dụng;
- Trong trường hợp pháp luật có quy định, nhưng các bên tự nguyện thực hiện quyền, nghĩa vụ về HN&GĐ theo tập quán, thì việc áp dụng tập quán đó được công nhận;
- Việc áp dụng tập quán nêu trên chỉ được công nhận khi đảm bảo điều kiện: Tập quán được áp dụng khi không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của chế độ HN&GĐ, quy định về bảo vệ chế độ HN&GĐ và là tập quán được đông đảo người dân sinh sống trên cùng địa bàn, cùng dân tộc, cùng tôn giáo thừa nhận và chỉ có hiệu lực áp dụng trên địa bàn, trong nội bộ cộng đồng có tập quán đó;
- Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng tập quán về HN&GĐ.
5. Thêm nhiều khái niệm mới
- Kết hôn giả tạo là việc kết hôn không nhằm xác lập quan hệ vợ chồng;
- Ly thân là tình trạng pháp lý, theo đó vợ chồng không có nghĩa vụ chung sống với nhau do cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của hai vợ chồng hoặc của vợ, chồng;
- Ly hôn giả tạo là việc ly hôn không nhằm chấm dứt quan hệ hôn nhân;
- Người thân thích bao gồm những người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời;
- Mang thai hộ là việc dùng biện pháp kỹ thuật lấy noãn của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của một phụ nữ khác để nhờ người này mang thai và sinh con mà không được trả thù lao.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 10/07/2013 08:19:10 SA