Bộ Nội vụ hiện đang dự thảo Nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Theo đó, nội dung nổi bật của dự thảo Nghị định tại sửa đổi Nghị định 62/2020/NĐ-CP dự kiến sẽ thay đổi kế hoạch biên chế công chức hằng năm thành 05 năm theo quy định sau:
(1) Trình tự phê duyệt biên chế công chức 5 năm
Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, ngành, địa phương căn cứ khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị định để xây dựng kế hoạch biên chế công chức 5 năm của cơ quan, tổ chức mình, gửi cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 11 dự thảo Nghị định.
Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của bộ, ngành thẩm định kế hoạch biên chế công chức 5 năm của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý của bộ ngành; tổng hợp, lập kế hoạch biên chế công chức 5 năm của bộ, ngành trình người đứng đầu để gửi Bộ Nội vụ.
Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của địa phương thẩm định kế hoạch biên chế công chức 5 năm của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Tổng hợp, lập kế hoạch biên chế công chức 5 năm của địa phương trình Chủ tịch UBND tỉnh gửi cơ quan có thẩm quyền của Đảng ở địa phương cho ý kiến trước khi gửi Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ thẩm định kế hoạch biên chế công chức 5 năm của từng bộ, ngành và tổng hợp kế hoạch biên chế công chức 5 năm của địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế.
Căn cứ số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng ở Trung ương thông qua, Bộ Nội vụ trình Chính phủ giao biên chế công chức cho các bộ, ngành và trình Chính phủ có văn bản đề nghị địa phương quyết định cụ thể biên chế công chức của từng cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý.
Bộ, ngành, địa phương quyết định giao biên chế công chức hàng năm đối với từng cơ quan, tổ chức thuộc bộ, ngành, địa phương trong tổng số biên chế công chức 5 năm được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao.
(2) Nội dung kế hoạch biên chế công chức 5 năm
- Sự cần thiết của việc lập kế hoạch biên chế công chức 5 năm.
- Báo cáo đánh giá việc giao, quản lý và sử dụng biên chế công chức 5 năm trước liền kề với 5 năm kế hoạch.
- Kế hoạch biên chế công chức 5 năm và hàng năm của từng cơ quan, tổ chức; kèm theo việc thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức theo Phụ lục IA hoặc Phụ lục IB ban hành kèm theo dự thảo Nghị định.
- Giải pháp thực hiện kế hoạch biên chế công chức sau khi được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt, dự kiến nguồn công chức bổ sung, thay thế, thực hiện chính sách tinh giản biên chế và dự toán kinh phí để thực hiện.
- Kiến nghị, đề xuất.
(Hiện hành quy định hồ sơ kế hoạch biên chế công chức hằng năm, kế hoạch biên chế công chức hằng năm của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 11 Nghị định 62/2020/NĐ-CP và bản sao các văn bản của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt biên chế công chức của năm trước liền kề với năm kế hoạch).
(3) Hồ sơ, thời hạn gửi kế hoạch biên chế công chức 5 năm
- Hồ sơ kế hoạch biên chế công chức 5 năm, gồm:
+ Văn bản đề nghị kế hoạch biên chế công chức 5 năm;
+ Kế hoạch biên chế công chức 05 năm của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 11 Nghị định 13 dự thảo Nghị định.
+ Bản sao các văn bản của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt biên chế công chức 5 năm, hàng năm trước liền kề với 5 năm kế hoạch.
- Thời hạn gửi kế hoạch biên chế công chức 5 năm
+ Trước ngày 01 tháng 4 năm trước liền kề năm đầu tiên của kế hoạch biên chế công chức 5 năm, các bộ, ngành, địa phương gửi hồ sơ kế hoạch biên chế công chức quy định tại khoản 1 Điều này về Bộ Nội vụ;
+ Trước ngày 01 tháng 6 năm trước liền kề năm đầu tiên của kế hoạch biên chế công chức 5 năm, Bộ Nội vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế quyết định tổng biên chế công chức 5 năm của bộ, ngành, địa phương.