Các sinh viên khoa luật tại Đại học South California đã thực hiện Dự án "Tư pháp hậu kết án" trong suốt 33 năm qua và đem về nhiều kết quả tích cực cho các sinh viên tham gia chương trình cũng như các thân chủ được hỗ trợ.
Đối tượng mà dự án nhắm tới ở đây chủ yếu là phạm nhân nữ; giải oan, hỗ trợ tù nhân là nạn nhân bạo hành gia đình. Sắp tới sẽ mở rộng ra bảo trợ cho trẻ chưa thành niên bị án chung thân.
Dự án ra đời vào năm 1981 tại Los Angeles (bang California), chuyên cung cấp các dịch vụ từ tư vấn về các vấn đề dân sự liên quan đến giam giữ cho đến cử đại diện hỗ trợ pháp lý cho phạm nhân tại các buổi điều trần về tạm tha tại tòa trong phạm vi bang California cũng như trên toàn liên bang.
Dù có nhiều thay đổi theo thời gian nhưng dự án vẫn kiên định giữ mục đích là đại diện cho phạm nhân hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý. Ngoài ra, dự án còn giúp sinh viên phát triển kỹ năng bào chữa, tạo cơ hội cho sinh viên thảo luận các vấn đề tư pháp hình sự lớn trong các vụ kiện tại tòa.
Dự án Tư pháp hậu kết án đang đại diện cho rất nhiều phạm nhân nữ bị giam tại Trung tâm phụ nữ California (nơi giam giữ phạm nhân nữ bị kết án chung thân về tội giết người). Dưới sự giám sát của hai giám đốc dự án, các sinh viên sẽ lo toan mọi vấn đề pháp lý cho nữ phạm nhân.
Đối với nữ phạm nhân có cơ hội được tạm tha, các sinh viên sẽ gặp gỡ họ trong trại giam, thu thập thông tin để làm chứng cho họ trước các buổi điều trần tạm tha. Các sinh viên cũng tham gia tranh luận và chất vấn tại các buổi điều trần.
Trong các vụ án mà Dự án đã hỗ trợ, tiêu biểu có vụ án nữ phạm nhân Sandra Davis-Lawrence bị Tòa án Tối cao ở bang California tuyên án tù chung thân.
Nhóm sinh viên thuộc Dự án Tư pháp hậu kết án đã tranh luận trường hợp cô Lawrence có xứng đáng được hưởng chế độ tạm tha bởi phạm nhân này không còn gây nguy hiểm cho xã hội và cộng đồng.
Trong quá trình tranh luận với tòa án, họ đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Thống đốc bang Schwarzenegger. Thống đốc nhận định tội của Lawrence rất tàn nhẫn và đây là một vụ giết người có chủ ý.
Tuy nhiên, sau hàng trăm thách thức về pháp lý liên quan đến thủ tục tạm tha, nỗ lực của nhóm dự án đã đạt được thành công. Đây cũng là lần đầu tiên Tòa án Tối cao bang California đưa ra phán quyết có lợi cho phạm nhân.
Cô Sandra và sinh viên đại diện cho cô trong Dự Án Christopher Mock
Vụ án cô Margaret Moore cũng tương tự. Sau nhiều năm bị chồng lạm dụng tình dục mà không thể nói ra, cô đã âm mưu sát hại chồng. Cô bị kết án tù chung thân mà không được tạm tha do giữ vai trò chủ chốt trong vụ án.
Năm 2002, sau quá trình điều tra thu thập chứng cứ, nhóm sinh viên thuộc Dự án Tư pháp hậu kết án đã thuyết phục Ban điều trần tạm tha xem xét tạm tha cho cô Margaret. Kết quả sau 25 năm ngồi tù, cô được hưởng chế độ tạm tha vào năm 2009.
Theo baophapluat.vn