Ngày 19/3/2024 vừa qua tại quận Bình Tân xôn xao vụ một người đàn ông được cho là đốt chiếc xe máy của mình. Đây là hành vi nguy hiểm và rất có thể lây lan hỏa hoạn sang những nhà khác. Từ đó, nổi lên câu hỏi, liệu những trường hợp như vậy, đốt xe máy của chính mình có bị pháp luật xử phạt không?
1. Xử phạt hành vi đốt xe máy của mình?
Nhiều người vẫn có tư tưởng, xe máy là tài sản của mình nên muốn làm gì thì làm, liệu có phải?
Căn khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về các tài sản:
- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Cũng theo Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản được chia thành hai loại: Động sản và bất động sản. Xe máy được liệt vào dạng động sản.
Theo như các pháp luật hiện hành, không có chế tài xử phạt những hành vi phá hủy tài sản của chính cá nhân sở hữu. Nhưng cần hiểu, xe máy trong những trường hợp trên được xem là một vật chứa nguy hiểm, có khả năng cháy nổ lớn. Vì thế hành vi đốt xe máy là vi phạm về các quy định phòng cháy, chữa cháy.
Cụ thể, căn cứ Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, quy định về vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 5.000.000. đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định
Ngoài ra, căn cứ Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, tình huống trên còn có thể bị xử phạt vì đã gây rối trật tự công cộng. Số tiền phạt có thể từ 300 nghìn đến 40 triệu đồng tùy theo mức độ.
Bên cạnh đó, còn phải thực hiện một trong số các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
+ Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn ;
+ Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm;
+ Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường;
+ Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh
Như vậy, hành vi đốt xe máy của chính mình có thể bị phạt hành chính từ 100 nghìn đến 40 triệu tùy vào mức độ và thiệt hại thực tế và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
2. Nguy cơ đối diện với án hình sự
Những đề cập trên là mức phạt đối với vi phạm hành chính. Tuy nhiên, như đã nói, xe máy có thể xem là vật chứa xăng lớn và có nguy cơ gây cháy nổ lớn, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người dân xung quanh.
Căn cứ Điều 318 Bộ luật hình sự 2015, quy định tội gây rối trật tự công cộng:
- Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
+ Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
+ Xúi giục người khác gây rối;
+ Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, nếu hành vi này gây nguy hiểm tính mạng cho người khác, ta căn cứ Điều 128 Bộ luật hình sự 2015, quy định về hành vi vô ý làm chết người:
- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Như vậy, hành vi đốt xe máy của chính mình nếu gây ra hậu quả lớn hoàn toàn có thể đối diện với án tù từ 2-7 năm. Ngoài ra, nếu vô ý làm chết người, án tù có thể tăng đến 10 năm.
Tổng kết lại, cứ ngỡ xe máy là tài sản cá nhân, người dân muốn xử lý tài sản của mình thế nào cũng được, nhưng hãy nhớ rằng, bất cứ hành vi nào gây ảnh hưởng và xâm phạm đến quyền lợi của người khác đều có thể phải đối mặt với pháp luật.
Hành vi đốt xe máy của chính mình không chỉ gây rối trật tự công cộng mà còn gây nguy hiểm đối với những người dân xung quanh. Người thực hiện hành vi trên chắc chắn sẽ phải đối diện với phạt tiền 100 nghìn đồng với mức nhẹ và có thể 10 năm tù giam đối với trường hợp nặng.