Chào bạn.
Theo những gì tôi hiểu, thì luật đã quy định từ năm 1995, khi người lao động thôi việc ở đơn vị nào thì đơn vị đó phải thanh toán chế độ thôi việc cho dứt điểm luôn, chứ không thực hiện chế độ "chuyển công tác" như trước đó. Vì vậy đáng lý khi nghỉ việc ở cty A, bạn phải đề nghị thanh toán chế độ thôi việc ngay lúc đó. Tuy nhiên việc này hầu như các đơn vị không thực hiện mà vẫn theo lối cũ là "chuyển công tác". Vì vậy bây giờ bạn phải quay lại cty A để yêu cầu chi trả chế độ thôi việc cho bạn.
Tôi gửi kèm theo văn bản sau đây để bạn tham khảo:
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2028/LĐTBXH-LĐTL
V/v trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2015
|
Kính gửi: Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội
(Số 434A Trần Khát Chân, phường Phố Huế, TP. Hà Nội)
Trả lời công văn số 81/CV-TA ngày 21/4/2015 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng Hà Nội về việc trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1. Bộ luật Lao động năm 1994 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995, theo đó từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành, không còn chế độ chuyển công tác đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Khi người lao động thôi việc ở doanh nghiệp nào thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động tại doanh nghiệp đó và người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định. Trường hợp sau đó người lao động làm việc cho doanh nghiệp khác thì thực hiện giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mới.
2. Tại điểm b Khoản 3 Mục III Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH đã được sửa đổi, bổ sung tại điều 2 Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ quy định đối với người lao động chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động trước ngày 01/01/1995 và có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước đó thì người sử dụng lao động cuối cùng mới có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động thực tế làm việc cho mình và thời gian người lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước đó, sau đó yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước trước đó hoàn trả số tiền trợ cấp thôi việc đã chi trả hộ.
Đối chiếu với quy định nêu trên và nội dung công văn số 81/CV-TA thì:
- Ông Nguyễn Mạnh Hùng chuyển đến làm việc tại Trung tâm Y tế Dệt may từ tháng 8/2007 đến tháng 3/2013 (sau ngày 01/01/1995), khi ông Hùng chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật thì Trung tâm y tế Dệt may có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định pháp luật đối với thời gian ông Hùng làm việc tại Trung tâm từ tháng 8/2007 đến 3/2013.
- Ông Hùng chuyển đến làm việc tại Trung tâm Y tế Dệt may từ tháng 8/2007 (sau ngày 01/01/1995) nên không thuộc đối tượng áp dụng điểm b Khoản 3 Mục III Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH đã được sửa đổi, bổ sung tại điều 2 Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH nêu trên.
3. Do ông Hùng có thời gian từ tháng 10/1990 đến tháng 3/2013 đều làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, vì vậy đề nghị Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng có văn bản trao đổi với Bộ Nội vụ để có thêm căn cứ pháp lý xem xét giải quyết vụ án theo quy định của Nhà nước.
Trên đây là ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị quý Tòa án nghiên cứu để có cơ sở giải quyết vụ án./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- TT. Phạm Minh Huân (để b/c);
- Lưu VT, LĐTL.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ LAO ĐỘNG - TIỀN LƯƠNG
Tống Thị Minh
|