Về vấn đề của bạn, mình có nghiên cứu một số nội dung liên quan và xin chia sẻ như sau:
Theo quy định tại Điều 481 Bộ Luật dân sự 2015 có nêu:
Điều 481. Trả tiền thuê
...
2. Trường hợp các bên thỏa thuận việc trả tiền thuê theo kỳ hạn thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nếu bên thuê không trả tiền trong ba kỳ liên tiếp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo đó, cần xác định trong hợp đồng của bạn có thỏa thuận về vấn đề đơn phương chấm dứt HĐ thuê này trong trường hợp nào hay không. Nếu có thỏa thuận thì căn cứ nội dung thỏa thuận đó để thực hiện, còn nếu không thì bên bạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐ cho thuê khi bên B không trả tiền thuê trong ba kỳ liên tiếp. Việc họ mới chậm thanh toán một kỳ thuê nhà chưa đủ cơ sở để đơn phương chấm dứt HĐ thuê trong trường hợp này nha bạn.
Liên quan đến nội dung đặt cọc, tại Điều 328 Bộ Luật dân sự 2015 có nêu:
Điều 328. Đặt cọc
...
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo đó, trường hợp của bạn thì phần đặt cọc nhằm mục đích đảm bảo thực hiện hợp đồng. Nên nếu bên thuê chấm dứt hợp đồng trước, từ chối việc thực hiện hợp đồng thuê thì bạn mới có thể nhận phần tiền đặt cọc. Như đã trao đổi ở bên trên, việc chậm thanh toán không đồng nghĩa với việc từ chối thực hiện hợp đồng nên với thông tin bạn nêu thì chưa đủ cơ sở xác định việc bạn có thể nhận cọc.
Liên quan đến thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng, tại Điều 428 Bộ Luật dân sự 2015 có nêu:
Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện...
Theo đó, khi phát sinh trường hợp được đơn phương chấm dứt HĐ thuê thì bạn sẽ phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng. Quyền và trách nhiệm của các bên thực hiện theo Khoản 3 nêu trên.
Vấn đề liên quan đến dịch bệnh này chưa đủ cơ sở để xác định có liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng thuê. Một yếu tố thực tế hay được áp dụng để đơn phương chấm dứt hợp đồng là yếu tố sự kiện bất khả kháng. Theo đó, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trường hợp của bạn là bên cho thuê, sẽ không áp dụng được quy định trên do vấn đề dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng đến quyền cho thuê của bạn.