Luật Nhà ở 2014 mở rộng quyền sở hữu nhà ở cho các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, giúp các đối tượng này tiếp cận sâu hơn lĩnh vực sở hữu nhà ở từ đó đã thúc đẩy cho thị trường bất động sản thêm khởi sắc.
Theo quy định của Luật nhà ở 2005 (Điều 9, Điều 126, Điều 125 Luật nhà ở 2005) và Luật nhà ở 2014 (Điều 7, Điều 159 Luật Nhà ở 2014), chúng ta thấy rằng đối tượng sở hữu được bổ sung là hộ gia đình trong nước - một chủ thể quan trọng trong các giao dịch dân sự. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì không giới hạn nhu cầu sở hữu nhà ở nhưng trong khuôn khổ pháp luật quy định. Đồng thời Luật còn mở rộng điều kiện được sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài, gỡ bỏ một số điều kiện mà trước đây đã ràng buộc họ tiếp cận bất động sản ở Việt Nam. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu không hạn chế số lượng và loại nhà tại Việt Nam, quy định này hầu như “mở hết cửa” cho Việt kiều được sở hữu nhà ở, họ chỉ cần chứng minh là người gốc Việt Nam thông qua hộ chiếu và được phép nhập cảnh vào Việt Nam là có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tuy không được đầy đủ như các cá nhân, tố chức trong nước nhưng quyền của họ đã được mở rộng hơn rất nhiều. Về cá nhân, tổ chức nước ngoài pháp luật cho phép họ được mua và sở hữu nhà ở nhưng giới hạn số lượng, loại nhà chứ không nởi lỏng như người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong ba chủ thể sở hữu nhà ở thì họ bị giới hạn quyền nhiều nhất. Từ việc mở rộng pháp luật, nhu cầu sở hữu nhà của những đối tượng trên tăng lên, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cũng tăng lên nhanh chóng làm cho thị trường bất động sản ngày một nóng lên.
Cùng với các chính sách hỗ trợ là sự thay đổi của pháp luật về nhà ở đã dấy lên một hồi trống đánh thức sự đóng băng của thị trường bất động sản từ sau năm 2015.Việc mở rộng quyền cho các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã và đang là dấu hiệu tích cực làm cho thị trường kinh doanh bất động sản phục hồi trở lại.