Đối tượng, quy trình tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Chủ đề   RSS   
  • #613687 04/07/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (348)
    Số điểm: 2977
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 61 lần


    Đối tượng, quy trình tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

    Quản lý đối tượng và quy trình tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch được quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP.

    1. Quy định quản lý đối tượng tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch

    Tại khoản 2, khoản 7 Điều 3 Nghị định 104/2016/NĐ-CP (được bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 13/2024/NĐ-CP) định nghĩa tiêm chủng chống dịch và Chương trình tiêm chủng mở rộng như sau:

    - Tiêm chủng chống dịch: là hoạt động tiêm chủng miễn phí do Nhà nước tổ chức cho những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch.

    - Chương trình tiêm chủng mở rộng: là chương trình do Nhà nước tổ chức để tiêm chủng miễn phí đối với các vắc xin bắt buộc sử dụng để phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và phụ nữ có thai.

    Theo đó, nội dung quản lý đối tượng tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 104/2016/NĐ-CP bao gồm:

    - Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh và địa chỉ thường trú của đối tượng tiêm chủng;

    - Tên cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đối với trường hợp người được tiêm chủng là trẻ em;

    - Tiền sử tiêm chủng, tiền sử bệnh tật liên quan đến chỉ định tiêm chủng.

    Đồng thời, cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm cấp, ghi sổ theo dõi tiêm chủng cá nhân hoặc sổ tiêm chủng điện tử và thống kê danh sách các đối tượng được tiêm chủng tại cơ sở.

    Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm chỉ đạo Trạm Y tế điều tra, lập danh sách các đối tượng thuộc diện tiêm chủng bắt buộc theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và thông báo cho đối tượng để tham gia tiêm chủng đúng lịch, đủ liều.

    Như vậy, đối tượng tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch sẽ được quản lý các thông tin tiêm chủng nêu trên. Trong trường hợp đối tượng được tiêm chủng đã có mã số định danh công dân thì không cần thu thập các thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh và địa chỉ thường trú của đối tượng tiêm chủng cũng như thông tin về cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đối với trường hợp người được tiêm chủng là trẻ em.

    2. Quy trình tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch

    - Tại Điều 5 Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định việc tiêm chủng phải thực hiện đầy đủ các bước trước, trong và sau khi tiêm chủng như sau:

    + Trước khi tiêm chủng: Khám sàng lọc, tư vấn cho đối tượng tiêm chủng. Trường hợp đối tượng tiêm chủng là trẻ em thì việc tư vấn được thực hiện với cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ;

    + Trong khi tiêm chủng: Thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn;

    + Sau khi tiêm chủng: Theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng để tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.

    - Trường hợp khi đang triển khai tiêm chủng mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, người đứng đầu cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm:

    + Dừng ngay buổi tiêm chủng;

    + Xử trí cấp cứu, chẩn đoán nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng; trường hợp vượt quá khả năng thì phải chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất;

    + Thống kê đầy đủ thông tin liên quan đến trường hợp tai biến nặng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế và báo cáo cho Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm xảy ra tai biến.

    - Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng phải tiến hành cấp cứu, điều trị và báo cáo Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận người bị tai biến.

    - Trường hợp xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng vắc xin ngoài Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch, cơ sở nơi xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng có trách nhiệm báo cáo Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở theo quy định nêu trên và thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự nếu có lỗi gây ra tai biến nặng sau tiêm chủng.

    Như vậy khi thực hiện tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch, cơ sở tiêm chủng phải thực hiện đầy đủ các bước nêu trên, đồng thời nội dung này còn được hướng dẫn bởi Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Thông tư 34/2018/TT-BYT, và trong trường hợp xảy ra biến nặng sau tiêm chủng thì người đứng đầu cơ sở tiêm chủng phải có trách nhiệm thực hiện các công việc nêu trên.

     
    115 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận