Trong bối cảnh đất nước đang phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã được tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức trong quá trình hoạt động. Bên cạnh các doanh nghiệp phát triển vững mạnh, thì cũng có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không tạo ra lợi nhuận, quá trình kinh doanh không hiệu quả dẫn đến việc doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động sẽ lựa chọn tạm ngừng kinh doanh thay vì làm thủ tục giải thể. Vậy, đối với doanh nghiệp đang nợ thuế có tạm ngừng kinh doanh được không?
1. Doanh nghiệp nợ thuế, có được tạm dừng kinh doanh không?
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.(Theo khoản 3 Điều 206 Luật doanh nghiệp 2020)
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, doanh nghiệp khi đang nợ thuế vẫn được tạm ngừng kinh doanh. Trong quá trình tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp cần phải hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước.
2. Quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:
- Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.
- Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp
Hồ sơ
– Thông báo tạm ngừng kinh doanh
– Quyết định tạm ngừng kinh doanh
– Bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần hoặc của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
Trình tự
- Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Nội dung thông báo bao gồm:
– Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác đối với doanh nghiệp.
– Thời hạn tạm ngừng kinh doanh: ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng.
– Lý do tạm ngừng.
– Sau khi nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ xử lý hồ sơ trong vòng 03 ngày làm việc để đưa ra kết quả:
– Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh nếu hồ sơ hợp lệ;
– Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa hợp lệ.
– Không thu lệ phí cho thủ tục này.