Về trường hợp của bạn, mình xin chia sẻ thông tin như sau:
Từ ngày 28/02/2023, Thông tư 27/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định chi tiết về định mức kinh tế kỹ thuật về quản lý, khai thác công trình thủy lợi sẽ có hiệu lực.Theo đó, khi xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cần đảm bảo nguyên tắc.
- Được quy định trong điều kiện bình thường để thực hiện nội dung quản lý, khai thác công trình thủy lợi; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.
- Đảm bảo đầy đủ các hao phí cần thiết để hoàn thành công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, quy trình công nghệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố, ban hành.
- Được xây dựng trên cơ sở thực tiễn quản lý, khai thác công trình thủy lợi, duy trì sự làm việc bình thường của máy móc, thiết bị, công trình thủy lợi và an toàn công trình; bảo đảm tính trung bình tiên tiến, tính ổn định trong thời gian nhất định.
- Khi có sự thay đổi công nghệ, quy định pháp luật hoặc không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì định mức kinh tế - kỹ thuật phải được điều chỉnh hoặc xây dựng mới.
Trước khi Thông tư 27 có hiệu lực, yêu cầu về định mức kinh tế kỹ thuật đối với quản lý, khai thác công trình thủy lợi được áp dụng theo Thông tư 06/2021/TT-BNNPTNT quy định chung về định mức kinh tế kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Theo Điều 9 Thông tư 06/2021/TT-BNNPTNT quy định về trình tự xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Thành lập Tổ soạn thảo (nếu cần thiết).
2. Xây dựng dự thảo Tờ trình; dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật (theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này); tổ chức cuộc họp, thảo luận, khảo sát (trong trường hợp cần thiết) để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
3. Lấy ý kiến Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý.
4. Thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại Điều 10 Thông tư này; tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm định.
5. Xin ý kiến Thứ trưởng phụ trách.
6. Chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Thông tư này để trình Bộ trưởng xem xét, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.
Quy định về thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật căn cứ tại Điều 10 như sau, Hội đồng thẩm định bao gồm 07 đến 09 thành viên: 01 Chủ tịch Hội đồng (đại diện Lãnh đạo đơn vị chủ trì), 01 Phó chủ tịch (nếu cần thiết), ủy viên Hội đồng (đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính và các đơn vị có liên quan) do Thủ trưởng đơn vị chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thành lập.
Hội đồng này sẽ họp thẩm định thông qua dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, để trình ký ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.
Từ quy định trên, có thể thấy việc thẩm định được tiến hành trước khi ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, làm căn cứ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, do đó, đơn vị thi công xây dựng căn cứ định mức trên để tiến hành dự án, cơ quan có thẩm quyền sẽ không tiến hành thẩm định lại sau khi hoàn thành xây dựng cơ sở.