Việc nhận con nuôi trong đời sống xã hội Việt Nam đã tồn tại từ lâu và dần trở nên phổ biến. Việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi có thể được thực hiện theo những cách thức khá nhau, tùy theo sự lựa chọn của cá nhân trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên có thể phân thành hai cách thức điển hình đó là xác lập quan hệ nuôi con nuôi về mặt xã hội và quan hệ nuôi con nuôi về mặt pháp lý. Để quan hệ nuôi con nuôi được đảm bảo bởi pháp luật thì người nhận con nuôi phải làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt.
Bên cạnh đó, cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được nhận con nuôi, bao gồm:
- Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
- Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
- Đang chấp hành hình phạt tù;
- Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Ngoài ra, Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng hai điều kiện đó là hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lền và có đủ điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi.