Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 14/2023/TT-BGDĐT quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt.
Theo đó, quy định về thành phần hồ sơ để cấp GCN đăng ký phương tiện và các trường hợp đặc biệt khi di chuyển phương tiện trên đường sắt cùng điều kiện trong các trường hợp này.
Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt
Tại Thông tư 14/2023/TT-BGDĐT quy định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt bao gồm:
- Bản chính văn bản giấy hoặc bản điện tử đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện của chủ sở hữu theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư 14/2023/TT-BGDĐT.
Xem và tải Mẫu đơn đề nghị
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/07/26/mau-don-de-ngh.docx
- Bản chính văn bản giấy hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử có chứng thực các giấy tờ của phương tiện bao gồm:
+ Hợp đồng mua bán, cho, tặng;
+ Chứng từ đã nộp lệ phí trước bạ (nếu có);
+ Quyết định điều chuyển phương tiện;
+ Hóa đơn của tổ chức, cá nhân bán phương tiện (nếu phương tiện đã chuyển qua nhiều tổ chức, cá nhân thì khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện chỉ cần hóa đơn của tổ chức, cá nhân bán cuối cùng);
+ Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện do tổ chức đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài được Bộ trưởng Bộ GTVT ủy quyền cấp còn hiệu lực.
Đối với các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch tiếng Việt đã được công chứng dịch thuật kèm theo.
- Trường hợp trong cùng một hợp đồng mua bán, cho, tặng phương tiện, hóa đơn, tờ khai hải quan của hồ sơ có kê khai nhiều phương tiện thì chủ sở hữu có trách nhiệm cung cấp bảng kê khai cho từng phương tiện đề nghị được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoặc hồ sơ đối với từng phương tiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 14/2023/TT-BGDĐT.
- Đối với phương tiện nhập khẩu, ngoài các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 14/2023/TT-BGDĐT thì cần phải có thêm bản chính văn bản giấy hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử có chứng thực tờ khai hải quan dùng cho phương tiện nhập khẩu hoặc tờ khai hải quan đã được thông quan.
- Trường hợp phương tiện không có hợp đồng mua bán, hóa đơn riêng thì phải có bản chính văn bản giấy hoặc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử có chứng thực hợp đồng gói thầu hoặc hợp phần của gói thầu có thể hiện việc cung cấp phương tiện, biên bản bàn giao phương tiện cho chủ sở hữu.
Các trường hợp đặc biệt khi di chuyển phương tiện trên đường sắt
Căn cứ tại Điều 14 Thông tư 14/2023/TT-BGDĐT phương tiện chưa đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Đường sắt được phép di chuyển trong các trường hợp đặc biệt sau đây:
- Di chuyển để kiểm tra, thử nghiệm các tính năng kỹ thuật của phương tiện trước khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác, vận dụng.
- Di chuyển từ vị trí tập kết này đến vị trí tập kết khác để cất giữ, bảo quản.
- Di chuyển phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn, dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp về quốc phòng, an ninh khi có yêu cầu.
Yêu cầu khi di chuyển phương tiện trong trường hợp đặc biệt
Theo đó, trong các trường hợp đặc biệt nêu trên, di chuyển phương tiện cần đảm bảo các yêu cầu như sau:
- Người điều khiển phương tiện phải chịu sự điều hành giao thông vận tải của cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm điều hành giao thông vận tải đường sắt.
- Tốc độ, tải trọng của phương tiện không được vượt quá thiết kế kỹ thuật của phương tiện, đồng thời phải tuân thủ công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng đã được công bố trên đoạn, tuyến đường sắt di chuyển theo quy định.
- Tổ chức, cá nhân khi di chuyển phương tiện chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
Xem chi tiết tại Thông tư 14/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 01/9/2023 và thay thế Thông tư 21/2018/TT-BGTVT, Thông tư 13/2021/TT-BGTVT, Điều 1 Thông tư 24/2020/TT-BGTVT.