(1) Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất theo dự thảo Luật Việc làm
Theo Điều 86 dự thảo Luật Việc làm đã quy định như sau:
- Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
+ Người lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 86 dự thảo làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
+ Người làm việc theo hợp đồng làm việc.
+ Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp cùng với hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 86 dự thảo đang làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động, đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu và người lao động là người giúp việc gia đình thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân và tổ chức cơ yếu, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, so với Luật Việc làm 2013, dự thảo đã có nhiều điểm thay đổi về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Xem cập nhật dự thảo Luật Việc làm mới nhất
Bài được viết theo dự thảo Luật Việc làm (lần thứ 03):https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/21/du-thao-luat-viec-lam-.doc
(2) Dự thảo bổ sung mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Khác với Luật hiện hành, dự thảo Luật Việc làm đã bổ sung quy định liên quan đến mức đóng bảo hiểm, đây được xem là sự linh hoạt trong quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo cho các tình huống bất ngờ xảy ra như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế.
Căn cứ theo Điều 88 của dự thảo đề cập đến mức đóng như sau:
- Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
+ Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng.
+ Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
+ Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
- Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 86 và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định tại điểm a khoản 1 Điều 86 để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với người lao động hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại các doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì người sử dụng lao động thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
- Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp tháng đó trừ trường hợp người lao động có làm việc ít nhất 01 ngày trong tháng và người sử dụng lao động, người lao động có thỏa thuận về việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tháng đó. Người sử dụng lao động phải thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp này.
Tóm lại, so với luật hiện hành, dự thảo Luật Việc sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung về đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng như có sự linh hoạt trong việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp để kịp thời đáp ứng cho các tình huống bất ngờ xảy ra.
Xem cập nhật dự thảo Luật Việc làm mới nhất
Bài được viết theo dự thảo Luật Việc làm (lần thứ 03):https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/21/du-thao-luat-viec-lam-.doc