Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP tăng mức lương cơ sở. Vậy việc tăng lương cơ sở này tác động như thế nào đến điều kiện hưởng BHYT 05 năm liên tục? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Điều kiện hưởng BHYT 5 năm liên tục gồm những gì?
Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định người bệnh tham gia BHYT sẽ được hưởng chế độ BHYT 05 năm liên tục nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện như sau:
- Đã tham gia BHYT từ đủ 05 năm liên tục.
Thời điểm tham gia đủ 05 năm liên tục ở đây được ghi nhận trực tiếp trên thẻ BHYT. Theo đó, các lần khám, chữa bệnh kể từ thời điểm này sẽ được xem xét để tính hưởng BHYT 05 năm liên tục.
- Có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Số tiền cùng chi trả/chi phí đồng chi trả là khoản tiền mà người bệnh có BHYT phải cùng chi trả với cơ quan BHXH theo tỷ lệ % được hưởng của loại thẻ BHYT.
- Đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Theo đó, khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện như đã nêu trên, người bệnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi thanh toán của quỹ này.
(2) Điều kiện hưởng BHYT 5 năm liên tục có bị ảnh hưởng khi tăng lương cơ sở?
Ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP có nêu rõ từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.
Theo đó, vì mức lương cơ sở nêu trên tăng nên giới hạn về mức chi phí đồng chi trả của các lần khám, chữa bệnh cũng theo đó mà tăng theo. Đồng nghĩa với việc người bệnh phải có chi phí đồng chi trả của những đợt khám, chữa bệnh đúng tuyến trước đó trong năm lớn hơn 14,04 triệu đồng thì mới có thể được xem xét hưởng BHYT 05 năm liên tục.
(3) Hồ sơ đề nghị thanh toán tiền BHYT hiện nay gồm những gì?
Căn cứ Điều 28 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định về hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp như sau:
- Các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) bao gồm:
+ Thẻ bảo hiểm y tế.
+ Giấy chứng minh nhân thân theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
+ Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám bệnh, chữa bệnh đề nghị thanh toán.
- Hóa đơn và các chứng từ có liên quan.
Theo đó, sau khi đã chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ như đã nêu trên, người bệnh hoặc thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật của người bệnh trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú.
Tại đây, khi tiếp nhận, cơ quan BHXH cấp huyện sẽ lập giấy biên nhận hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì sẽ hướng dẫn bổ sung đầy đủ.
Tiếp đến, trong thời hạn là 40 ngày tính từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán cơ quan BHXH sẽ hoàn thành việc giám định BHYT và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp.
Trường hợp không thanh toán thì cơ quan BHXH sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, để được thanh toán tiền BHYT, người bệnh cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh toán và thực hiện theo trình tự như đã nêu trên.