Điều kiện, hồ sơ và thủ tục kinh doanh dịch vụ spa chăm sóc da?

Chủ đề   RSS   
  • #601778 13/04/2023

    Điều kiện, hồ sơ và thủ tục kinh doanh dịch vụ spa chăm sóc da?

    Kinh doanh dịch vụ spa chăm sóc da đang là ngành nghề được rất nhiều người quan tâm. Đặc biệt là tại các thành phố - nơi có nhu cầu làm đẹp cao. Vậy để được kinh doanh dịch vụ này thì phải làm gì?

    Kinh doanh dịch vụ spa chăm sóc da có bắt buộc đăng ký kinh doanh hay không?

    Hiện nay, các trường hợp miễn đăng ký kinh doanh được quy định tại Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP và khoản 2 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

    Trong đó thì dịch vụ spa chăm sóc da không thuộc các trường hợp được miễn đăng ký kinh doanh nêu trên. Do đó, nếu muốn hoạt động kinh doanh dịch vụ spa chăm sóc da thì phải thực hiện đăng ký kinh doanh (có thể lựa chọn đăng ký hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp).

    Để được kinh doanh dịch vụ spa chăm sóc da không xâm lấn thì cần có các điều kiện gì?

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP thì hiện nay hoạt động kinh doanh dịch vụ spa chăm sóc da không xâm lấn có thể được tổ chức dưới hình thức cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

    Theo đó, điều kiện hoạt động cơ sở dịch vụ thẩm mỹ được quy đinh tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP cụ thể như sau:

    (1). Về cơ sở vật chất:

    - Có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động);

    - Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

    - Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.

    (2). Về trang thiết bị y tế:

     Phải có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.

    (3). Về nhân lực:

    - Mỗi cơ sở phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

    + Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.

    + Trường hợp cơ sở gồm nhiều chuyên khoa thì chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa lâm sàng mà cơ sở đăng ký hoạt động.

    + Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

    - Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở, các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản;

    Hồ sơ và thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với hình thức kinh doanh dịch vụ spa chăm sóc da không xâm lấn được quy định như thế nào?

    Tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP có quy định về việc xin phép kinh doanh dịch vụ spa chăm sóc da không xâm lấn như sau:

    “Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.”

    Như vậy, sau khi đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thì chủ cơ sở không làm giấy chứng nhận đủ điều kiện mà sẽ phải gửi văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

    Lưu ý: Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

     
    2494 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn vantrinh4120@gmail.com vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (14/04/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận