Đấu thầu quốc tế là gì? Để tổ chức đấu thầu quốc tế thì cần phải đáp ứng những điều kiện nào? Những dự án nào không được tổ chức đấu thầu quốc tế? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
(1) Đấu thầu quốc tế là gì?
Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024), đấu thầu quốc tế được định nghĩa là hoạt động đấu thầu mà nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài được tham dự thầu.
Điều này có nghĩa là không chỉ các nhà thầu trong nước mà cả các nhà thầu từ các quốc gia khác cũng có cơ hội cạnh tranh để thực hiện các dự án hoặc cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các cơ quan, tổ chức nhà nước.
Theo đó, hình thức đấu thầu quốc tế thường được áp dụng trong các dự án lớn, có quy mô và giá trị cao, đặc biệt là những dự án có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài hoặc có tính chất quốc tế.
Việc mở rộng phạm vi tham gia cho các nhà thầu nước ngoài không chỉ tạo ra cơ hội cạnh tranh công bằng mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thông qua việc thu hút công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý của các nhà thầu nước ngoài.
(2) Điều kiện được tổ chức đấu thầu quốc tế năm 2024
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Đấu thầu 2023, việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu được thực hiện khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
- Nhà tài trợ vốn cho dự án, gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế trong điều ước quốc tế, thỏa thuận vay;
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu hoặc gói thầu được sơ tuyển, mời quan tâm hoặc đấu thầu rộng rãi trong nước trước đó nhưng không có nhà thầu tham gia;
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn mà người có thẩm quyền xét thấy cần có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài để nâng cao chất lượng của gói thầu, dự án, người có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định tổ chức đấu thầu quốc tế;
- Gói thầu mua sắm hàng hóa mà hàng hóa đó trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng một trong các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá. Trường hợp hàng hóa thông dụng đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không tổ chức đấu thầu quốc tế.
Như vậy, việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu chỉ được thực hiện khi đáp ứng được một trong các điều kiện nêu trên.
Những điều kiện này được đặt ra nhằm mục tiêu đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả trong việc lựa chọn nhà thầu, đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng cho cả nhà thầu trong nước và quốc tế.
(3) Những dự án đầu tư kinh doanh không được tổ chức đấu thầu quốc tế
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Đấu thầu 2023, việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện đối với các dự án đầu tư kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Đấu thầu 2023, trừ 05 trường hợp sau đây:
1- Dự án thuộc danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư;
2- Dự án cần thực hiện đấu thầu trong nước do yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
3- Dự án thực hiện tại khu vực hạn chế sử dụng đất, khu vực biển hạn chế sử dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan;
4- Dự án có tổng vốn đầu tư dưới 800 tỷ đồng;
5- Dự án không thuộc 04 trường hợp trên nhưng đã công bố, thông báo mời quan tâm tổ chức đấu thầu quốc tế mà không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Như vậy, nếu dự án đầu tư kinh doanh thuộc một trong 05 trường hợp nêu trên thì không được tổ chức đấu thầu.
Lý do của việc không cho phép tổ chức đấu thầu quốc tế trong các trường hợp này nhằm đảm bảo rằng các dự án đầu tư kinh doanh được tổ chức đấu thầu quốc tế một cách hợp lý và hiệu quả, đồng thời vẫn bảo vệ được các lĩnh vực nhạy cảm và phù hợp với các chính sách phát triển kinh tế, an ninh quốc gia.