Căn cứ Điều 47 Luật HNGĐ năm 2014 có quy định: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được xác lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Đó cũng là điều kiện để thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực.
Về chủ thể, nếu như trong các giao dịch dân sự thông thường, các bên tham gia ký kết thỏa thuận có thể là cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức thì trong thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng lại khác, hai bên tham gia ký kết chỉ có thể là cá nhân và thỏa thuận này chỉ có thể phát sinh hiệu lực khi hai bên sẽ có quan hệ hôn nhân hợp pháp, tức là họ sẽ làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, theo quy định tại Điều 8 Luật HNGĐ năm 2014, Nhà nước chỉ thừa nhận hôn nhân giữa nam và nữ, không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, vì thế, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập bởi hai cá nhân, một nam và một nữ và sau đó họ có đăng ký kết hôn thì thỏa thuận này mới có hiệu lực.
Về ý chí của chủ thể, cũng giống như các thỏa thuận mang tính chất dân sự khác, để thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực pháp luật thì nam nữ phải tự do, tự nguyện ký kết. Tự nguyện là sự nhất quán giữa nguyện vọng, mong muốn bên trong với biểu hiện bên ngoài của chủ thể. Nam, nữ phải thực sự mong muốn được áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận và biểu hiện ra bên ngoài bằng cách ký kết thỏa thuận với những nội dung mà họ coi là hợp lý. Trong trường hợp ý chí của các chủ thể bị tác động bởi bất kỳ nguyên nhân chủ quan hay khách quan nào, hoặc một bên bị lừa dối, ép buộc, đe dọa hay nhầm lẫn mà ký kết thỏa thuận thì thỏa thuận đó không đáp ứng được điều kiện về sự tự nguyện. Điều kiện này cũng phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 tại khoản 2 Điều 3: “cá nhân, pháp nhân xác nhận, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận”.
Về hình thức, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng chỉ có thể được lập bằng một hình thức duy nhất là văn bản, có chữ ký của cả hai bên chủ thể và phải được công chứng hoặc chứng thực. Lý do nhà làm luật quy định hình thức bằng văn bản nhằm đảm bảo sự rõ ràng vì nội dung của thỏa thuận cần chi tiết và cụ thể để dễ dàng thực hiện. Hơn nữa, thỏa thuận bằng lời nói chỉ nên áp dụng với những thỏa thuận đơn giản, dễ thực hiện, còn thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng lại bao gồm nhiều điều khoản phức tạp và chế độ này sẽ tồn tại trong một khoảng thời gian dài, có thể đến hết thời kỳ hôn nhân, có thể sửa đổi bổ sung nội dung của thỏa thuận một hay nhiều lần. Vì vậy, không thể chỉ dựa vào những lời nói thỏa thuận và trí nhớ để duy trì và thực hiện thỏa thuận trong một thời gian dài như thế. Nhà làm luật quy định thỏa thuận phải có công chứng hoặc chứng thực để đảm bảo tính hợp pháp và giá trị chứng cứ cho thỏa thuận. Đồng thời, để nhà nước và cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, kiểm soát các thỏa thuận giữa vợ chồng và bảo đảm trật tự kinh tế khi vợ chồng chuyển dịch các tài sản đã thỏa thuận.
Về thời điểm xác lập, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng chỉ có thể được xác lập trước khi đăng ký kết hôn. Đây cũng chính là đặc trưng cơ bản của chế định này để phân biệt với các thỏa thuận khác có thể được xác lập trong thời kỳ hôn nhân như thỏa thuận chia tài sản chung quy định tại Điều 38 Luật HNGĐ năm 2014, thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung quy định tại Điều 46 Luật HNGĐ năm 2014,… Tuy được lập trước khi kết hôn, nhưng thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng lại có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn hay thời điểm họ trở thành vợ chồng hợp pháp. Bắt đầu từ thời điểm đó, mọi vấn đề về tài sản của vợ chồng được thực hiện theo thỏa thuận. Trường hợp nam nữ đã xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng nhưng sau đó không đăng ký kết hôn thì thỏa thuận đó sẽ không có giá trị pháp lý. Ngoài ra, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực trong trường hợp nam nữ ly hôn trên thực tế hoặc trường hợp vợ chồng thỏa thuận thay đổi tài sản của mình chuyển sang chế độ tài sản theo luật định.
Về nội dung, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải bao gồm các nội dung cơ bản và không vi phạm các trường hợp luật quy định thỏa thuận bị vô hiệu. Các nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được quy định cụ thể tại Điều 48 Luật HNGĐ năm 2014 bao gồm tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản; điều kiện, thủ tục, nguyên tắc phân chia tài sản. Các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu được quy định tại Điều 50 Luật HNGĐ năm 2014 bao gồm trường hợp không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan; xâm phạm đến quyền bình đẳng, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ và chồng, xâm phạm đến lợi ích chung của gia đình cũng như quyền lợi của người thứ ba.
Về việc thỏa thuận sửa đổi, bổ sung, thay đổi chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng có thể tiến hành bất kỳ lúc nào sau khi kết hôn. Tuy nhiên, khi tiến hành phải theo những quy định chung về thủ tục giống như khi xác lập thỏa thuận. Phạm vi sửa đổi, bổ sung là một phần hoặc toàn bộ nội dung của thỏa thuận hoặc có thể thỏa thuận chuyển sang chế độ tài sản theo luật định. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản vợ chồng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng hoặc chứng thực. Trong trường hợp thỏa thuận sửa đổi bổ sung có liên quan đến người thứ ba thì vợ chồng có nghĩa vụ phải thông báo cho người có quyền và lợi ích liên quan biết về thỏa thuận, sửa đổi, bổ sung đó. Quy định này tạo ra một cơ chế giám sát để đảm bảo, bảo vệ lợi ích chung của gia đình và những người khác có liên quan, bởi trong các giao dịch với một người vợ hoặc người chồng, người thứ ba thường ở vào vị trí của bên yếu thế vì không có thông tin đầy đủ về chế độ tài sản của họ và trong nhiều trường hợp những người này có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận của vợ chồng vô hiệu theo các căn cứ luật định.
Trên đây là bài phân tích của mình về chế độ tài sản theo thoả thuận của vợ chồng. Hi vọng hữu ích!