Căn cứ theo khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về tuổi của người lái xe, theo đó độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
Như vậy, tùy vào loại phương tiện và dung tích xi lanh mà pháp luật sẽ quy định về độ tuổi nhất định, người điều khiển bất kì một loại xe nào cần căn cứ theo quy định của pháp luật để xem bản thân có đủ tuổi để lái loại xe đó hay không, độ tuổi thấp nhất của người điều khiển xe máy là người từ đủ 16 tuổi.
(2) Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông?
Bên cạnh việc đáp ứng về độ tuổi khi tham gia giao thông thì người điều khiển xe gắn máy cần phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008:
- Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ như đăng ký xe; giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Như vậy, khi tham gia giao thông người điều khiển xe máy cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
(3) Người chưa đủ tuổi điều khiển xe máy bị xử phạt như thế nào?
Đối với người chưa đủ tuổi mà điều khiển xe máy tham gia giao thông thì căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bới khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới:
- Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
- Phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên
Như vậy, việc điều khiển xe máy khi chưa đủ 18 tuổi, tùy từng trường hợp mà người điều khiển sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng.
(4) Giao xe cho người không đủ tuổi điều khiển có bị phạt không?
Hiện nay có không ít các trường hợp phụ huynh giao xe cho con chưa đủ tuổi để chạy đi học, đi chơi. Việc giao xe cho người không đủ tuổi điều khiển được coi là một hành vi vi phạm pháp luật. Người giao xe có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Theo điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau:
“Phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông.
Như vậy, với trường hợp chủ xe giao xe cho người không đủ tuổi điều khiển xe máy tham gia giao thông, chủ xe là cá nhân bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng, chủ xe là tổ chức bị phạt tiền từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng.
Tóm lại, việc điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi tùy từng trường hợp mà người điều khiển sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng. Trường hợp chủ xe có hành vi giao xe máy cho người chưa đủ tuổi để điều khiển là vi phạm so với quy định của pháp luật, căn cứ theo từng tính chất mức độ mà mức xử phạt đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển là từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng.