Điểm tin văn bản nổi bật sau Tết Ất Mùi

Chủ đề   RSS   
  • #372036 28/02/2015

    ChuTuocLS
    Top 150
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:25/07/2009
    Tổng số bài viết (581)
    Số điểm: 44833
    Cảm ơn: 54
    Được cảm ơn 1148 lần
    SMod

    Điểm tin văn bản nổi bật sau Tết Ất Mùi

    Sau Tết Ất Mùi, nhiều văn bản quan trọng trong các lĩnh vực tiền lương, lao động, giáo dục, thương mại…được cập nhật. Cụ thể như sau:

    1/ Tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc

    Từ 01/01/2015, cán bộ xã già yếu nghỉ việc (theo Điều 2 Nghị định  09/2015/NĐ-CP) được điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng như sau:

    Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng từ 01/01/2015

    =

    Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 12/2014

    x

    1,08

    Cụ thể như sau:

    - Cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã: 1.568.000 đồng/tháng.

    - Cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 1.512.000 đồng/tháng.

    - Các chức danh còn lại: 1.388.000 đồng/tháng.

    Nội dung trên được đề cập tại Thông tư 01/2015/TT-BNV, có hiệu lực từ 01/04/2015 và thay thế Thông tư liên tịch 03/2013/TTLT-BNV-BTC.

    2/ Tăng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng

    Từ 01/01/2015, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng sẽ là 1.318.000 đồng (tăng 918.000 đồng so với trước đây).

    Theo đó, các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong từng trường hợp sẽ thay đổi tương ứng. Điển hình như: người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 thuộc diện thoát ly sẽ hưởng mức trợ cấp là 1.472.000 đồng và 2.500.000 đồng nếu thuộc diện không thoát ly…

    Xem chi tiết mức trợ cấp, phụ cấp tại Phụ lục đính kèm theo Nghị định 20/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/04/2015 thay thế Nghị định 101/2013/NĐ-CP.

    3/ Tăng lương cho cán bộ, công, viên chức có hệ số lương từ 2.34 trở xuống

    Kể từ 06/04/2015, sẽ tăng 8% lương cho các đối tượng sau đây có hệ số lương từ 2.34 trở xuống:

    - Cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008.

    - Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008; Viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Luật Viên chức 2010.

    - Cán bộ, công chức cấp xã theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 và Nghị định 92/2009/NĐ-CP.

    - Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cấp có thẩm quyền quyết định đến làm việc tại các hội, tổ chức phi Chính phủ, dự án và cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.

    - Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP.

    - Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao của đơn vị sự nghiệp công lập và hội có tính chất đặc thù.

    - Giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định tại Quyết định 60/2011/QĐ-TTg.

    - Viên chức làm việc trong Trạm Y tế xã theo quy định tại Nghị định 117/2014/NĐ-CP.

    - Công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

    - Công nhân, nhân viên công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân.

    - Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong tổ chức cơ yếu.

    Và mức tiền lương tăng thêm hàng tháng được tính theo công thức sau:

    Mức tiền lương tăng thêm hàng tháng

    =

    Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh

    x

    Mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng

    x

    8%

    Các chế độ trên được tính hưởng kể từ 01/01/2015 được quy định tại Nghị định 17/2015/NĐ-CP

    4/ 5 điều kiện lựa chọn dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư

    Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Theo đó, có 5 điều kiện lựa chọn dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư:

    - Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    - Phù hợp với lĩnh vực đầu tư quy định tại Điều 4 Nghị định này.

    - Có khả năng thu hút và tiếp nhận nguồn vốn thương mại, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư.

    - Có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

    - Có tổng vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên, trừ dự án đầu tư theo hợp đồng O&M và dự án công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

    Ngoài ra, dự án đáp ứng các điều kiện trên có khả năng thu hồi vốn từ hoạt động kinh doanh được ưu tiên lựa chọn.

    Nghị định này có hiệu lực từ 10/04/2015.

    5/ Đã có Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy

    Ngày 26/02 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 02/2015/TT-BGDĐT về quy chế thi THPT quốc gia và Thông tư 03/2015/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

    Theo đó, có các nội dung đáng chú ý như sau:

    - Về quy chế thi THPT quốc gia:

    Sẽ tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ.

    Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.

    Trường hợp thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì được Giám đốc Sở GDĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn còn lại.

    Điểm để xét công nhận tốt nghiệp THPT được tính như sau:

    Điểm xét tốt nghiệp THPT = { [(Tổng điểm của 4 môn thi + Tổng điểm khuyến khích (nếu có))/4] + Điểm trung bình cả năm lớp 12 } / 2 + Điểm ưu tiên (nếu có)

    Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức hủy bài thi trở lên, tất cả các bài thi đều đạt trên 1 điểm và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.

    - Về tuyền sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy:

    Có 2 cách để tuyền sinh vào hệ Đại học, Cao đẳng chính quy đó là tuyển sinh sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh riêng.

    Trong đó, các trường ĐH, CĐ theo quy chế tuyển sinh sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia sẽ lựa chọn các môn để xét tuyển theo các môn thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 và của các năm trước. Trường hợp có thay đổi khối thi truyền thống, các môn thi phải báo trước 03 năm trước khi áp dụng.

    Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển. Còn lại các trường vẫn áp dụng thang điểm 10 cho từng môn như trước đây.

    Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển ở các đợt tuyển tiếp theo.

    Các trường thực hiện theo quy chế tuyển sinh riêng phải phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo.

    Thông tư 02 và 03 có hiệu lực kể từ 13/04/2015.

    6/ Giảm 90% giá vé tàu hỏa cho bà mẹ Việt Nam anh hùng

    Đó là quy định mới tại Nghị định 14/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt có hiệu lực từ 15/04/2015. Cụ thể:

    - Giảm 90% giá vé đối với người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945, từ 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/08/1945 và bà mẹ Việt Nam anh hùng.

    - Giảm 30% giá vé đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc màu da cam; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng.

    Ngoài ra, so với quy định trước đây tại Nghị định 109/2006/NĐ-CP, sẽ chỉ còn 7 đối tượng được miễn, giảm giá vé tàu hỏa:

    - Người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945.

    - Người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/08/1945.

    - Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

    - Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

    - Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

    - Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng.

    - Trẻ em dưới 6 tuổi.

    Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi đi cùng người lớn được miễn vé. Mỗi người lớn được đi kèm không quá 02 đối tượng được miễn vé.

    7/ Chế độ nhuận bút đối với tác phẩm mỹ thuật

    Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

    Theo đó, bên sử dụng tác phẩm mẫu thỏa thuận với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mức nhuận bút theo tỷ lệ phần trăm giá thành tác phẩm, không quá các mức được quy định.

    Cụ thể, đối với tác phẩm có giá thành đến 1 triệu đồng, mức nhuận bút không quá 60% giá thành tác phẩm, tác phẩm có giá thành từ 1 – 5 triệu đồng, mức nhuận bút sẽ từ 40 – 60% giá thành tác phẩm…

    Đối với tác phẩm có giá thành 9 – 10 tỷ đồng thì mức nhuận bút không quá 4.7 – 4.5% giá thành tác phẩm. Trường hợp trên 10 tỷ đồng thì nhuận bút được tính bằng mức nhuận bút của tác phẩm có giá thành 10 tỷ đồng và 1% của phần giá thành tác phẩm vượt quá 10 tỷ đồng.

    Trường hợp tác giả chỉ vẽ mẫu, chưa thể hiện thành tác phẩm mẫu thì tác giả vẽ mẫu hưởng từ 50 – 70% mức nhuận bút quy định, phần còn lại được trả cho những người khác dựa vào mẫu vẽ để thể hiện thành tác phẩm mẫu.

    Nghị định này có hiệu lực từ 15/04/2015.

    Cập nhật bởi ChuTuocLS ngày 28/02/2015 10:02:55 SA Cập nhật bởi ChuTuocLS ngày 28/02/2015 10:02:29 SA
     
    4846 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận