>>> Toàn bộ điểm mới Luật doanh nghiệp 2014
Nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập của Luật Doanh nghiệp 2005, vừa qua, Luật Doanh nghiệp 2014 được ban hành kế thừa một số nội dung cũ và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể như sau:
1/ Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định 05 trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
- Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;
- Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo thành lập;
- Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế
- Doanh nghiệp không gửi báo cáo khi có yêu cầu đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
- Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.
(Căn cứ Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2014)
2/ Điều kiện hợp nhất, sáp nhập
Không yêu cầu các công ty cùng loại mới được phép hợp nhất, sáp nhập.
Đồng thời, quy định cụ thể hồ sơ và trình tự đăng ký doanh nghiệp khi hợp nhất và nhận sáp nhập.
(Căn cứ Khoản 1, Khoản 4 Điều 194 và 195 Luật Doanh nghiệp 2014)
3/ Điều kiện để Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua
Chỉ giới hạn một số nội dung sau đây phải có ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết tán thành:
- Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;
- Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;
- Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
- Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định;
- Tổ chức lại, giải thể công ty;
- Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.
Các trường hợp còn lại, Nghị quyết được thông qua khi có ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết tán thành.
Trường hợp thông qua Nghị quyết bằng hình thức lấy ý kiến từ văn bản thì ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết tán thành (trước đây là 75%)
(Căn cứ Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014)
4/ Điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông
Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết (trước đây là 65%)
Nếu cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì cuộc họp lần thứ hai được tiến hành khi có ít nhất 33% tổng số phiếu biểu quyết (trước đây là 51%)
(Căn cứ Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2014)
5/ Đại hội đồng cổ đông không còn quyền bầu Chủ tịch HĐQT
Bãi bỏ nội dung Đại hội đồng cổ đông bầu Chủ tịch HĐQT, theo đó, chỉ có Hội đồng quản trị bầu 1 thành viên trong số đó làm Chủ tịch HĐQT.
Chủ tịch HĐQT có thể kiêm Giám đốc hay Tổng Giám đốc trừ trường hợp công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết.
(Căn cứ Điều 152 Luật Doanh nghiệp 2014)
6/ Công ty TNHH một thành viên được phép giảm vốn điều lệ
Luật Doanh nghiệp 2014 bãi bỏ nội dung: Công ty TNHH một thành viên không được giảm vốn điều lệ. Theo đó, Công ty TNHH một thành viên được quyền thay đổi vốn điều lệ trong các trường hợp sau:
- Hoàn trả một phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu;
- Vốn điều lệ không được chủ sở hữu thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định góp vốn thành lập công ty.
(Căn cứ Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2014)
7/ Giấy chứng nhận đầu tư không phải là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định cụ thể Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Bãi bỏ nội dung Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
(Căn cứ Điều 21, 22, 23 Luật Doanh nghiệp 2014)
8/ Con dấu doanh nghiệp
Doanh nghiệp được quyền quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải đảm bảo có tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
(Căn cứ Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014)
9/ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý
Các cuộc họp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông…ngoài việc được ghi biên bản họp, có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác.
(Căn cứ Điều 61, 154 Luật Doanh nghiệp 2014)
Mỗi Doanh nghiệp được cấp 1 mã số doanh nghiệp duy nhất và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác. Mã số được dùng để thực hiện các nghĩa vụ về thuế, thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác.
(Căn cứ Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2014)
10/ Bãi bỏ một số nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Bãi bỏ các nội dung của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của các loại hình doanh nghiệp:
- Văn bản xác nhận vốn pháp định
- Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc hay Tổng Giám đốc
(Căn cứ Điều 20,21,22,23 Luật Doanh nghiệp 2014)
Cập nhật bởi ChuTuocLS ngày 12/03/2015 03:38:50 CH