Tôi đang có dự định kinh doanh dịch vụ xăm, phun, thêu thẩm mỹ thì cần phải thành lập cơ sở dưới hình thức nào, có buộc phải thành lập phòng khám chuyên khoa không? Điều kiện cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa mới nhất
1. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động chung đối với cơ sở có cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ
Tại Khoản 12 Điều 40 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định:
Cơ sở có cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ dưới đây hoặc có sử dụng sản phẩm có tác dụng dược lý phải được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa:
- Dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) nhằm:
+ Làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, tăng cân nặng, giảm cân nặng (giảm béo, giảm mỡ cơ thể);
+ Khắc phục khiếm khuyết hoặc tạo hình theo ý muốn đối với các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người);
+ Tái tạo, phục hồi tế bào hoặc bộ phận hoặc chức năng cơ thể người.
- Dịch vụ xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.
Theo đó, đối với kinh doanh hoạt động xăm, phun, thêu thẩm mỹ trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm thì cơ sở phải thành lập một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa.
2. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa
Tại Điều 43 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa ngoài điều kiện chung tại Điều 40 Nghị định 96/2023/NĐ-CP như sau:
(1) Quy mô, cơ cấu tổ chức phòng khám:
- Có tối thiểu một chuyên khoa;
- Trường hợp phòng khám chuyên khoa đáp ứng đủ điều kiện tương ứng với các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác quy định tại Điều 39 Nghị định này (trừ hình thức bệnh viện) thì được bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn tương ứng với hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó nhưng tối đa không quá 03 hình thức tổ chức.
(2) Cơ sở vật chất:
- Phòng khám phải có nơi đón tiếp người bệnh, phòng khám bệnh có diện tích tối thiểu 10 m2;
- Trường hợp có thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật thì ngoài phòng khám bệnh phải có thêm phòng để thực hiện kỹ thuật, thủ thuật có diện tích tối thiểu 10 m2; nếu có thực hiện kỹ thuật vận động trị liệu thì phòng để thực hiện kỹ thuật, thủ thuật phải có diện tích tối thiểu 20 m2;
- Có khu vực tiệt khuẩn để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt khuẩn lại hoặc có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiệt khuẩn dụng cụ.
(3) Có hộp cấp cứu phản vệ và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa phù hợp với các chuyên khoa thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám.
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ
Theo Khoản 1 Điều 60 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hoạt động như sau:
- Đơn theo Mẫu 02 Phụ lục II ban hành kèm Nghị định 96/2023/NĐ-CP;
- Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;
- Bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề và giấy xác nhận quá trình hành nghề theo Mẫu 11 Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 96/2023/NĐ-CP của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (không áp dụng đối với trường hợp các giấy tờ này đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế);
- Bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề và giấy xác nhận quá trình hành nghề theo Mẫu 11 Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 96/2023/NĐ-CP của người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (không áp dụng đối với trường hợp các giấy tờ này đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế);
- Bản kê khai cơ sở vật chất, danh mục thiết bị y tế, danh sách nhân sự đáp ứng điều kiện cấp giấy phép hoạt động tương ứng với từng hình thức tổ chức theo Mẫu 08 Phụ lục II ban hành kèm Nghị định 96/2023/NĐ-CP và các giấy tờ chứng minh, xác nhận các kê khai đó;
- Danh sách ghi rõ họ tên, số giấy phép hành nghề của từng người hành nghề đăng ký hành nghề tại cơ sở đó theo Mẫu 01 Phụ lục II ban hành kèm Nghị định 96/2023/NĐ-CP;
- Văn bản do cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bệnh viện của nhà nước hoặc điều lệ tổ chức và hoạt động đối với bệnh viện tư nhân theo Mẫu 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
- Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
- Trường hợp đề nghị cấp lần đầu giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận thì phải có tài liệu chứng minh nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc hoạt động khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận.
Như vậy, khi kinh doanh cơ sở thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da có tiêm thuốc tê hoặc kinh doanh hoạt động thẩm mỹ làm thay đổi màu sắc da, phẫu thuật thẩm mỹ thì phải thành lập phòng khám chuyên khoa hoặc bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa. Phòng khám chuyên khoa cần đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự quy mô theo quy định.