Di sản dùng vào việc thờ cúng hiện nay được quy định như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #602499 12/05/2023

    lvkhngoc
    Top 200
    Lớp 2

    Vietnam
    Tham gia:10/07/2022
    Tổng số bài viết (395)
    Số điểm: 3334
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 72 lần


    Di sản dùng vào việc thờ cúng hiện nay được quy định như thế nào?

    Trường hợp cha mẹ mất để lại nhà ở có gian nhà thờ cúng thì có chia được gian nhà này cho riêng người con phụ trách thờ cúng không hay phải chia đều cho những người thừa kế?

    1. Các hình thức của thừa kế

    Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại gọi là di sản.

    Trong đó, thừa kế được chia thành 02 hình thức:

    - Thừa kế theo di chúc: là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi họ còn sống được thể hiện qua việc lập di chúc (căn cứ theo Điều 624 Bộ luật dân sự 2015). 

    - Thừa kế theo pháp luật: là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Thừa kế được áp dụng trong trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp hoặc một số trường hợp khác căn cứ theo Điều 649, 650 Bộ luật dân sự 2015.  

    2. Quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng 

    Căn cứ theo quy định tại Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 về quyền của người lập di chúc thì người lập do chúc có các quyền sau: 

    - Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

    - Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

    - Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

    -. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

    - Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

    => Theo đó, người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng. Như vậy, có thể thấy tài sản để thờ cúng chỉ xuất hiện trong thừa kế theo di chúc, không có trong trường hợp thừa kế theo pháp luật.

    3. Xử lý di sản thờ cúng do cha mẹ để lại sau khi mất

    - Trường hợp có để lại di chúc

    Căn cứ theo Điều 645 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau: 

    + Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

    Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

    Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

    + Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

    => Theo đó, gian nhà thờ cúng do cha mẹ để lại trong di chúc sẽ không được chia thừa kế mà được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng, nếu trong di chúc không chỉ định người quản lý thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

    - Trường hợp không để lại di chúc

    Trường hợp cha mẹ chết không để lại di chúc thì sẽ không có quy định về di sản thừa kế. Do đó những người thừa kế sẽ phân chia di sản và được thừa kế theo pháp luật. 

    Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau: 

    - Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    - Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    - Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

    Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    => Như vậy, khi cha mẹ mất để thì sẽ xem xét có để lại di chúc hay không để phân chia di sản thừa kế. Trường hợp có để lại di chúc thì phần di sản thờ cúng sẽ được giao cho một người được chỉ định quản lý, nếu không để lại di chúc thì sẽ chia đều cho những người thừa kế theo pháp luật. 

     
    326 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận