Hiện nay Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định về di chúc có điều kiện tuy nhiên thực tiễn lại có rất nhiều trường hợp liên quan đến vấn đề này và cũng có nhiều quan điểm trái chiều nhau.
Ví dụ như ông Nguyễn Văn A lập di chúc để lại căn nhà cho người con B được sở hữu sau khi ông A qua đời. Trong di chúc nói rõ B chỉ được sử dụng, không được đem bán, tặng cho hoặc các hình thức chuyển quyền sở hữu khác.
Có các quan điểm khác nhau:
- Quan điểm 1: Tôn trọng ý nguyện tuyệt đối của người lập di chúc. Người để lại di sản có toàn quyền quyết định đối với di sản của mình để lại, nó giống như giao dịch dân sự có điều kiện. “Điều kiện” ở đây được hiểu là sự kiện chết xảy ra và người hưởng di sản chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền định đoạt.
- Quan điểm 2: Ý chí của người lập di chúc bị vi phạm bởi quyền sở hữu của người hưởng di sản. Do đó, sau khi chết thì điều kiện ràng buộc “chỉ được sử dụng” sẽ không còn giá trị. Nếu theo quan điểm 1 thì người hưởng di sản sẽ xử lý như thế nào trong trường hợp di sản bị hư hỏng, bị thu hồi có đền bù, hoặc trường hợp người hưởng di sản không tặng cho người khác mà hiến tặng cho Nhà nước.
- Quan điểm 3: Có thể áp dụng linh hoạt bằng cách áp dụng tương tự chế định di sản dùng vào việc thờ cúng. Trong chế định di sản dùng vào việc thờ cúng có nói trong trường hợp chỉ còn một người duy nhất thuộc hàng thừa kế quản lý di sản thì di sản đó thuộc về người đang quản lý. Do vậy, trong trường hợp này, nếu người hưởng di sản là người duy nhất hoặc qua thời gian họ còn lại với tư cách là người thừa kế duy nhất thì di sản đó thuộc về họ. Nghĩa là người hưởng di sản được toàn quyền sở hữu.
Do đó, Bộ luật Dân sự cần điều chỉnh vấn đề này để áp dụng pháp luật một cách thống nhất.