(1) Đề xuất thời gian làm việc trong năm học của giáo viên phổ thông là 42 tuần
Căn cứ vào Điều 5 dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên như sau:
- Thời gian làm việc trong năm học của giáo viên phổ thông là 42 tuần, trong đó:
+ 37 tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm 35 tuần thực dạy và 02 tuần dự phòng (dành cho việc hoàn thiện các nội dung giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác).
+ 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.
+ 02 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học.
- Thời gian làm việc trong năm học của giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần, trong đó:
+ 28 tuần dành cho việc giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học.
+ 12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học.
+ 02 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học.
Như vậy, theo dự thảo đề xuất thời gian làm việc của trong năm học của giáo viên phổ thông, dự bị đại học là 42 tuần, trong đó bao gồm thời gian cho việc giảng dạy, bồi dưỡng trình độ và dành cho việc chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học.
Bài được viết theo dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học ( lần thứ 02):https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/22/du-thao-thong-tu.docx
(2) Dự thảo đề xuất thời gian nghỉ của giáo viên
Bên cạnh việc quy định thời gian trong năm học của giáo viên, theo khoản 3 Điều 5 dự thảo Thông tư đã đề cập đến thời gian nghỉ của giáo viên bao gồm thời gian nghỉ hè hằng năm, thời gian nghỉ thai sản, thời gian nghỉ lễ tế như sau:
- Thời gian nghỉ hè:
Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục
- Thời gian nghỉ thai sản theo quy định:
+ Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng thời gian nghỉ hè hằng năm mà thời gian nghỉ hè hằng năm còn lại (nếu còn) ít hơn thời gian nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động thì giáo viên được bố trí nghỉ thêm một số ngày đảm bảo tổng số ngày nghỉ bằng số ngày nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động.
+ Trường hợp giáo viên nam được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong thời gian nghỉ chế độ giáo viên nam được tính dạy đủ định mức tiết dạy theo quy định và không phải dạy bù. Trường hợp thời gian nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con của giáo viên nam trùng với thời gian nghỉ hè thì không được nghỉ bù.
+ Thời gian nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động.
+ Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ của giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định, đảm bảo khung thời gian năm học.
- Thời giờ nghỉ ngơi của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.
Tóm lại, theo dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học đã đề cập đến thời gian làm việc của trong năm học của giáo viên phổ thông, dự bị đại học là 42 tuần, trong đó bao gồm thời gian cho việc giảng dạy, bồi dưỡng trình độ và dành cho việc chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng đã quy định về thời gian nghỉ của giáo viên bao gồm thời gian nghỉ hè, thời gian nghỉ lễ tết, thời gian nghỉ thai sản.
Bài được viết theo dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học ( lần thứ 02):https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/22/du-thao-thong-tu.docx