Đề xuất nguyên tắc chuyển đổi hình phạt khi chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Chủ đề   RSS   
  • #614580 27/07/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 11

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (929)
    Số điểm: 15784
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 309 lần
    SMod

    Đề xuất nguyên tắc chuyển đổi hình phạt khi chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

    Dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù do Bộ Công an dự thảo, quy định cụ thể hơn về các vấn đề tương trợ tư pháp khi chuyển giao người về Việt Nam, trong đó có đề xuất về chuyển đổi hình phạt.

    Xem toàn văn Dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (Dự thảo 2https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/26/2-du-thao-luat-chuyen-giao-7-2024.doc

    Đề xuất nguyên tắc chuyển đổi hình phạt khi chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

    Quy định hiện hành

    Hiện nay, chuyển đổi hình phạt khi chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được quy định tại Điều 58 Luật tương trợ tư pháp 2007 như sau:

    - Việc tiếp tục chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam của người được chuyển giao thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

    - Trong trường hợp thời hạn của hình phạt do nước chuyển giao đã tuyên phù hợp với pháp luật Việt Nam thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền ra quyết định tiếp nhận chuyển giao. Trong quyết định tiếp nhận chuyển giao ghi rõ thời hạn người được chuyển giao phải tiếp tục thi hành hình phạt tù tại Việt Nam.

    Trường hợp tính chất hoặc thời hạn của hình phạt do nước chuyển giao đã tuyên không phù hợp với pháp luật Việt Nam thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền ra quyết định tiếp nhận chuyển giao căn cứ vào các tình tiết của vụ án quyết định chuyển đổi hình phạt cho phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam theo hình phạt được chuyển đổi không được dài hơn so với hình phạt đã tuyên tại nước chuyển giao.

    - Khi nhận được thông báo về quyết định đặc xá, đại xá hoặc miễn, giảm hình phạt của nước chuyển giao đối với người đang chấp hành hình phạt tù, Bộ Công an phải gửi ngay thông báo đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

    Như vậy, hiện hành pháp luật quy định Toà án có thẩm quyền sẽ ra quyết định chuyển đổi hình phạt căn cứ vào tình tiết vụ án khi hình phạt của nước chuyển giao không phù hợp với Việt Nam và thời hạn hình phạt mới không được dài hơn hình phạt cũ. Đồng thời, khi nước chuyển giao có quyết định đặc xá, đại xá, miễn, giảm hình phạt thì Bộ Công an phải gửi ngay đến cơ quan có thẩm quyền.

    Đến Dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (Dự thảo 2), Bộ Công an đã đề xuất một số điểm mới, cụ thể tại Điều 25 Dự thảo 2 như sau:

    Đề xuất hình phạt chuyển đổi không được nghiêm khắc hơn hình phạt trước

    Khi ra quyết định tiếp nhận công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam để tiếp tục thi hành án phạt tù, Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét có phải chuyển đổi hình phạt không. 

    Nếu tính chất hoặc thời hạn của hình phạt đó không phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam thì có thể chuyển đổi hình phạt đó cho phù hợp với hình phạt mà pháp luật của Việt Nam quy định đối với tội phạm tương tự. 

    Khi chuyển đổi hình phạt, Tòa án nhân dân có thẩm quyền phải căn cứ vào các kết luận về sự việc của vụ án được thể hiện trong các ý kiến, cáo trạng, bản án hoặc hình phạt đã được nước chuyển giao tuyên. 

    Thời hạn tù mà người bị kết án đã chấp hành ở nước chuyển giao sẽ được khấu trừ. Hình phạt chuyển đổi không được nghiêm khắc hơn hình phạt mà nước chuyển giao đã tuyên về tính chất và thời hạn; không chuyển đổi hình phạt tù thành hình phạt tiền.

    Như vậy, Dự thảo 2 đã quy định cụ thể hơn thẩm quyền chuyển đổi hình phạt của Toà án Việt Nam, theo đó, khi chuyển đổi hình phạt thì Toà án không chỉ căn cứ vào tình tiết vụ án mà phải căn cứ vào kết luận trong ý kiến, cáo trạng, bản án hoặc hình phạt của nước chuyển giao. 

    Đồng thời, quy định hiện hành tại Luật tương trợ tư pháp 2007 cũng không quy định về khấu trừ hình phạt người đang chấp hành án phạt tù đã chấp hành, đến Dự thảo 2, Bộ Công an đã bổ sung về khấu trừ thời hạn tù mà người đó đã chấp hành ở nước chuyển giao. 

    Ngoài ra, về mức độ của hình phạt chuyển đổi thì hiện hành chỉ quy định không được dài hơn, Dự thảo 2 cũng đã quy định cụ thể là hình phạt chuyển đổi không được nghiêm khắc hơn về cả tính chất và thời hạn, và thêm quy định không chuyển hình phạt tù thành hình phạt tiền mà hiện tại chưa có.

    Đề xuất mức hình phạt tối đa khi chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù về Việt Nam

    Trường hợp người phạm tội bị xử phạt tù có thời hạn trên ba mươi năm đối với nhiều tội hoặc trên hai mươi năm đối với một tội, sau khi trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, Tòa án nhân dân có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét, quyết định để thời hạn phải chấp hành phần hình phạt còn lại của người được tiếp nhận cao nhất đến ba mươi năm tù (trường hợp phạm nhiều tội) hoặc đến hai mươi năm tù (trường hợp phạm một tội) theo quy định về quyết định hình phạt của Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành và được trừ thời gian người đó đã thi hành hình phạt ở nước ngoài.

    Như vậy, Dự thảo 2 cũng đã bổ sung cụ thể về chuyển đổi hình phạt khi người phạm tội bị nước chuyển giao phạt tù trên 30 năm với nhiều tội hoặc 20 năm với 1 tội, Toà án Việt Nam có thể trao đổi với nước chuyển giao, sau đó xem xét để thời hạn chấp hành còn lại của người đó cao nhất là 30 năm tù với nhiều tội hoặc 20 năm tù với 1 tội để phù hợp với luật Việt Nam và có thể trừ thời gian người đó đã chấp hành ở nước chuyển giao. Đây là quy định mới hoàn toàn so với hiện hành.

    Trách nhiệm của Bộ công an khi nước chuyển giao có quyết định đặc xá, đại xá

    Như đã phân tích ở phần trên, theo Luật tương trợ tư pháp 2007, khi nhận được thông báo về quyết định đặc xá, đại xá hoặc miễn, giảm hình phạt của nước chuyển giao đối với người đang chấp hành hình phạt tù, Bộ Công an phải gửi ngay thông báo đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

    Đến Dự thảo 2, quy định này đã được cụ thể hơn tại Điều 30 Dự thảo 2, theo đó:

    Trong trường hợp nhận được thông báo về quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá, đại xá hoặc bất kỳ quyết định, biện pháp nào của nước chuyển giao đối với người được chuyển giao về Việt Nam dẫn đến việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc trả tự do cho người đó, Bộ Công an phải gửi ngay thông báo đó kèm theo văn bản đề nghị cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam và nước chuyển giao là thành viên hoặc theo thỏa thuận trực tiếp giữ có quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước chuyển giao trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

    Trên cơ sở quyết định của cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định của nước ngoài và thông báo kết quả cho cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao biết.

    Như vậy, Dự thảo 2 quy định chi tiết hơn rất nhiều so với quy định hiện hành. Theo Dự thảo 2, khi nước chuyển giao có bất kỳ quyết định nào dẫn đến việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc trả tự do cho người đó thì phải được thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền kèm văn bản đề nghị, còn hiện hành chỉ quy định phải thông báo khi đặc xá, đại xá hoặc miễn, giảm hình phạt và không có quy định kèm văn bản đề nghị.

    Đồng thời, về trách nhiệm thông báo các quyết định của nước chuyển giao thì vẫn giữ nguyên là của Bộ Công an, tuy nhiên Dự thảo 2 đã bổ sung trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định và thông báo kết quả đến nước chuyển giao của Bộ Công an.

    Xem toàn văn Dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (Dự thảo 2https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/26/2-du-thao-luat-chuyen-giao-7-2024.doc

    Xem thêm: Đề xuất các trường hợp từ chối tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam

     
    66 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận