Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được xây dựng để đảm bảo việc thực hiện pháp luật đối với người chưa thành niên vừa mang tính nghiêm khắc, vừa mang tính nhân văn…
(1) Các hình thức xử phạt người chưa thành niên
Việc áp dụng khung hình phạt tù đối với người chưa thành niên là điều thường gây tranh cãi.
Các tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện bởi người chưa thành niên rất được xã hội quan tâm, trong đó hình phạt dành cho bị cáo chưa thành niên là được quan tâm nhất. Như mới gần đây, vụ án thiếu nữ 15 tuổi ở Hải Phòng bị bạn trai sát hại, nghi phạm của vụ án cũng đang trong tuổi chưa thành niên và đang học lớp 9. Trong xã hội đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều về mức hình phạt sẽ được áp dụng trong trường hợp này.
Nghi phạm T được cho là hung thủ trong vụ sát hại thiếu nữ ở Hải Phòng chỉ mới học lớp 9.
Xem Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/18/Du_thao_Luat_Tu_phap_nguoi_chua_thanh_nien.pdf
Theo Điều 90 dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:
- Cảnh cáo;
- Phạt tiền;
- Cải tạo không giam giữ;
- Tù có thời hạn.
Trong đó, có một hình thức xử phạt mới là cảnh cáo. Theo điều 91 Luật Tư pháp người chưa thành niên, cảnh cáo được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Bên cạnh phạt cảnh cáo, nếu người chưa thành niên vi phạm các các tội được quy định trong Bộ Luật Hình sự thì sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt như người đã thành niên tuy nhiên mức phạt có nhiều điểm khác biệt.
(2) Khung hình phạt dành cho người chưa thành niên phạm tội
Mức phạt của người chưa thành niên đối với các tội được quy định trong Bộ Luật Hình sự thường sẽ được giảm một nửa hoặc hai phần ba so với mức phạt dành cho một người đã thành niên.
Xem Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/18/Du_thao_Luat_Tu_phap_nguoi_chua_thanh_nien.pdf
Cụ thể, hình thức phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Điều 92 Luật Tư pháp người chưa thành niên như sau:
- Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.
Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định.
- Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu người đó có tài sản riêng.
Mức tiền phạt đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Hay hình đối với hình thức phạt cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều 93 Luật Tư pháp người chưa thành niên như sau:
- Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.
- Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó.
Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.
Tương tự đối với hình phạt tù có thời hạn, người chưa thành niên cũng sẽ được giảm nhẹ mức phạt so với khung hình phạt được quy định trong luật. Theo Điều 94 Luật Tư pháp người chưa thành niên, người chưa thành niên bị áp dụng hình thức phạt tù có thời hạn được quy định như sau:
- Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 15 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì khung hình phạt áp dụng không quá ba phần tư mức hình phạt mà điều luật quy định.
- Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 09 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì khung hình phạt áp dụng không quá một phần hai mức hình phạt mà điều luật quy định.
Như vậy, khung hình phạt tù có thời hạn tối đa mà dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đề xuất cho người chưa thành niên phạm tội là không quá 15 năm, nếu người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phạt tù tối đa không qua 09 năm.
Người chưa thành niên mà phạm các tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt tù chung thân, tử hình thì sẽ được miễn áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, điều này thể hiện sự nhân từ của pháp luật đối với ngưởi chưa thành niên, mong muốn cho họ có thể làm lại cuộc đời, sửa chữa sai lầm.
Theo dự kiến, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới.
Xem Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/18/Du_thao_Luat_Tu_phap_nguoi_chua_thanh_nien.pdf