Đó là một trong những giải pháp được đề xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt đến năm 2020, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Khu vực tư nhân trong nước đóng góp khoảng 48-49%, đầu tư của dân cư và DNTN chiếm 46% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Đồng thời, năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Để đạt được mục tiêu đó, Nhà nước cần phải có những chính sách hỗ trợ, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp được cụ thể hóa thông qua 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính:
1. Xử lý nghiêm cán bộ gây phiền hà cho doanh nghiệp
Thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó, quán triệt cán bộ, công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, chuyển mạnh theo tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.
Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ, kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.
2. Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật doanh nghiệp
Nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ Kế họach Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bộ Giáo dục Đào tạo xây dựng các Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp và lồng ghép vào chương trình đào tạo.
3. Đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên công nghệ thông tin
Cụ thể, đó là nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp trong năm 2016, xử lý nợ đọng thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và nghiên cứu, đề xuất giảm 50% thuế TNCN cho lao động công nghệ thông tin trong lĩnh vực công nghệ cao và lao động ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tháng 7/2016.
Sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng mở rộng chi phí được giảm trừ cho doanh nghiệp trong các hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp.
Xây dựng lộ trình chuyển hình thức thuế khoán sang thuế thu nhập doanh nghiệp.
4. Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp
Điều chỉnh lại tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chi phí khác cho doanh nghiệp, mức phí đường bộ, phí BOT, chi phí lưu kho, lưu công, lưu bãi, bốc xếp, cước phí vận tải biển...
Đồng thời, thực hiện rà soát, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh và nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động và chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động.
5. Chấm dứt tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế
Với phương châm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Bộ Công an rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về an ninh, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo quyền kinh doanh đã được pháp luật quy định.
Xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, trốn thuế…đảm bình đẳng quyền lợi cho các doanh nghiệp chân chính. Chấm dứt tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự tạo niềm tin và yên tâm cho doanh nghiệp tham gia kinh doanh.
Các nội dung nêu trên được đề cập tại Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.