Đề xuất điều kiện cấp giấy phép thành lập của tổ chức bảo hiểm vi mô

Chủ đề   RSS   
  • #591122 19/09/2022

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1696 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Đề xuất điều kiện cấp giấy phép thành lập của tổ chức bảo hiểm vi mô

    Vừa qua, ngày 15/9/2022 Bộ Tài chính lấy ý kiến Dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm vi mô. Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương, 39 Điều và 9 phụ lục, trong đó Dự thảo có quy định về điều kiện được cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô. Vậy bảo hiểm vi mô là gì và điều kiện cấp giấy phép của các tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô như thế nào?

    Bảo hiểm vi mô là gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022  (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) bảo hiểm vi mô được hiểu như sau:

    Bảo hiểm vi mô là bảo hiểm hướng tới các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản.

    Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 144 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023), quy định về sản phẩm của bảo hiểm vi mô:

    Sản phẩm bảo hiểm vi mô có các đặc điểm cơ bản sau đây:

    - Được thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu, có thủ tục thẩm định bảo hiểm đơn giản hoặc không cần thẩm định bảo hiểm;

    - Chỉ bao gồm các quyền lợi nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ cơ bản trước các rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia bảo hiểm với thời hạn bảo hiểm không quá 05 năm;

    - Số tiền bảo hiểm trên từng hợp đồng và phí bảo hiểm hằng năm cho từng người được bảo hiểm của một hợp đồng không vượt quá mức tối đa theo quy định của Chính phủ.

    Bảo hiểm vi mô được xem là một bộ phận của tài chính vi mô bảo hiểm vi mô hướng tới người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu.

    Bảo hiểm vi mô thông thường sẽ xuất hiện ở những đất nước đang phát triển, nơi mà thị trường bảo hiểm hiện tại hoạt động không hiệu quả hoặc thậm chí không tồn tại. Giá trị bảo hiểm vi mô thấp hơn những loại bảo hiểm thông thường khác, vì vậy những người mua loại bảo hiểm này chỉ cần đóng số tiền bảo hiểm nhỏ hơn đáng kể.

    Cũng tương tự như những bảo hiểm thông thường, bảo hiểm vi mô bảo vệ cho rất nhiều loại rủi ro. Bao gồm cả những rủi ro về sức khoẻ và rủi ro về tài sản.

    dieu-kien-thanh-lap-bao-hiem-vi-mo

    Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động

    Ngày 15/9/2022, Bộ Tài chính lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô, trong đó, căn cứ tại Điều 7 của Dự thảo Nghị về Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, cụ thể như sau:

    Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 149 Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trong đó các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 149 cụ thể như sau:

    (1) Có vốn điều lệ không thấp hơn mức tối thiểu quy định tại Điều 28 Dự thảo Nghị định.

    Cụ thể, tại Điều 28 quy định vốn điều lệ của tổ chức không thấp hơn 10 tỷ đồng.

    (2) Nhân sự dự kiến làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán bảo hiểm vi mô đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 18 Dự thảo Nghị định.

    Theo đó, Hội đồng quản trị bổ nhiệm Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc theo pháp luật của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô. Trường hợp Điều lệ tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô không quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật thì Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

    Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc là người điều hành hoạt động hàng ngày của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.

    Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung sau:

    - Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án mà chưa được xóa án tích theo quy định;

    - Có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp;

    - Ngoài các tiêu chuẩn quy định tại điểm a,b khoản 3 Điều này, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của Tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm.

    (3) Dự thảo điều lệ phù hợp với mục tiêu hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và quy định tại Điều 9 Nghị định Quy định về bảo hiểm vi mô.

    Theo đó, điều lệ của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được quy định như sau:

    Điều lệ của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được xây dựng khi chuẩn bị thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ và phải có chữ ký của các thành viên sáng lập hoặc của người đại diện trước pháp luật của tổ chức đại diện thành viên.

    Điều lệ tổ chức bảo hiểm tương hỗ bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

    - Tên và địa điểm dự kiến đặt trụ sở chính của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;

    - Mục đích thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;

    - Lĩnh vực, phạm vi, địa bàn hoạt động, thời gian hoạt động;

    - Xác định tư cách thành viên, quyền và nghĩa vụ của các thành viên tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;

    - Cơ chế biểu quyết của các thành viên;

    - Tên, địa chỉ, quyền và nghĩa vụ của các thành viên sáng lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ; người đại diện trước pháp luật; tổ chức đại diện thành viên;

    - Vốn điều lệ của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; phương thức đóng góp, hoàn trả vốn thành lập và các chi phí liên quan đến việc thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;

    - Quy chế tài chính; các nguyên tắc quyết định việc tăng, giảm phí bảo hiểm; phương thức phân chia kết quả hoạt động kinh doanh;

    - Cơ cấu tổ chức, bộ máy, chế độ làm việc của Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát; chế độ đãi ngộ của người quản trị, điều hành; thể thức bầu cử, thông qua quyết định; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

    - Các nội dung khác của Điều lệ tổ chức bảo hiểm tương hỗ do các thành viên thoả thuận nhưng không được trái với với quy định của pháp luật có liên quan.

    Việc thay thế, bổ sung, sửa đổi Điều lệ tổ chức bảo hiểm tương hỗ do đại hội toàn thể thành viên hoặc tổ chức đại diện thành viên quyết định.

    Giấy phép thành lập và hoạt động này được lập thành 6 bản chính: 1 bản cấp cho tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được thành lập; 4 bản lưu tại Bộ Tài chính; 1 bản gửi cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh nơi tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đặt trụ sở chính.

    Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô đã tạo lập được một khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, rõ ràng với các quy định mang tính đặc thù. Từ đó, tạo điều kiện giúp hoạt động bảo hiểm vi mô phát triển phù hợp với nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và đi vào thực tiễn cuộc sống.

    Xem toàn văn Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô ở file đính kèm bên dưới.

     
    476 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (19/09/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận