Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú được cập nhật ngày 04/05/2024 đề xuất thêm một số điều luật
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú được cập nhật ngày 04/05/2024 đề xuất thêm một số điều luật mới, trong đó có đề xuất về việc đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh; đề xuất hủy đăng ký thường trú, tạm trú; đề xuất một số nội dung đăng ký, quản lý cư trú.
Xem Dự thảo Nghị định (cập nhật 04/5/2024) tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/08/Khongso_608793%20(1).doc
Xem cập nhật mới nhất tại: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú
(1) Đề xuất đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh
“Đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh” là điều luật xuất hiện lần đầu tại đề xuất của Dự thảo Nghị định.
Hiện nay, không có quy định cụ thể về việc đăng ký thường trú cho “trẻ em mới sinh” mà chỉ có các quy định được phân bổ ở một số điều khoản.
Ví dụ như Điều 12 Luật Cư trú 2020 quy định về nơi cư trú của người chưa thành niên. Hay tại khoản 6 Điều 19 Luật Cư trú 2020 không có quy định về thời gian cụ thể thực hiện việc đăng ký cho trẻ em mới sinh mà chỉ quy định công dân khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Cư trú 2020 thì phải làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú.
Thời hạn này là 60 ngày kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh theo quy định cũ tại Nghị định 31/2014/NĐ-CP (đã hết hiệu lực).
Do đó, tại Điều 7 Dự thảo Nghị định, Chính phủ đề xuất việc đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh như sau:
- Nơi thường trú của trẻ em mới sinh là nơi thường trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi thường trú khác nhau thì nơi thường trú của trẻ em mới sinh là nơi thường trú của cha hoặc mẹ mà trẻ em mới sinh thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi thường trú của trẻ em mới sinh là nơi do cha, mẹ thỏa thuận.
- Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó. Trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thường trú phải thực hiện đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho trẻ;
Có thể thấy, việc đề xuất thêm quy định đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh là cần thiết. Người dân và cơ quan đăng ký cư trú có căn cứ rõ ràng, thuận thiện hơn trong việc thẩm định hồ sơ để thực hiện việc đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh.
(2) Đề xuất hủy đăng ký thường trú, tạm trú
Dự thảo Nghị định đề xuất việc hủy đăng ký thường trú, tạm trú cụ thể tại Điều 9 như sau:
- Việc hủy đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là việc hủy kết quả giải quyết các thủ tục làm thay đổi thông tin đã đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trước đó, do cơ quan đăng ký cư trú giải quyết không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật Cư trú
- Cơ quan có thẩm quyền hủy kết quả giải quyết đăng ký đã thực hiện việc đăng ký hoặc thủ trưởng cấp trên trực tiếp của cơ quan đã đăng ký có trách nhiệm ra quyết định hủy bỏ việc đăng ký đó. Trường hợp, cơ quan đăng ký cư trú phát hiện việc giải quyết đăng ký không đúng thẩm quyền, đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật Cư trú 2020 thì tiến hành hủy kết quả giải quyết thủ tục thực hiện không đúng, trường hợp phức tạp báo cáo cấp trên trực tiếp về việc hủy kết quả đăng ký.
Theo Luật Cư trú 2020 hiện hành, việc hủy đăng ký thường trú, tạm trú trong các trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện thì cơ quan đã đăng ký có trách nhiệm hủy đăng ký.
Nếu đề xuất trên được thông qua thì thẩm quyền hủy đăng ký thường trú, tạm trú được mở rộng cho các cơ quan đăng ký khác khi phát hiện việc giải quyết đăng ký không đúng thẩm quyền, đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật Cư trú. Việc hủy đăng ký thường trú, tạm trú sẽ không bắt buộc phải do cơ quan đã đăng ký thực hiện như trước đây nữa.
Xem Dự thảo Nghị định (cập nhật 04/5/2024) tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/08/Khongso_608793%20(1).doc
Xem cập nhật mới nhất tại: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú
(3) Đề xuất một số nội dung đăng ký, quản lý cư trú
Tại Điều 8 của Dự thảo Nghị định đề xuất thêm một số nội dung trong việc đăng ký, quản lý cư trú bao gồm:
- Công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp không phải của mình không phải xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp khi có ý kiến đồng ý của chủ sở hữu theo điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 thì lấy ý kiến của đại diện chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp;
- Ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu, cha, mẹ, người giám hộ được lấy bằng hình thức trực tiếp ký vào vào Tờ khai thay đổi thông tin về cư trú hoặc bằng văn bản đồng ý hoặc xác thực ý kiến đồng ý qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử hoặc qua xác minh của cơ quan đăng ký cư trú;
- Công dân sinh sống trên tàu, thuyền, phương tiện khác qua đêm thì chủ phương tiện phải thực hiện thông báo lưu trú cho người cư trú qua đêm trên phương tiện với cơ quan đăng ký cư trú nơi phương tiện đăng ký hoặc nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ nếu phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký không trùng với nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ;
- Trường hợp cả hộ gia đình hoặc một số thành viên trong hộ gia đình cùng đăng ký thường trú tới nơi ở mới thì điều kiện đăng ký thường trú của hộ gia đình là điều kiện của chủ hộ.
Nghị định 62/2021/NĐ-CP đã góp phần mang lại kết quả đáng khích lệ trong thực hiện Luật Cư trú, tuy nhiên, qua thực tiễn thấy rằng, quy định của Nghị định vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng tình hình thực tiễn.
Do đó, việc xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú (thay thế Nghị định 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021) là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay và những năm tiếp theo.
Xem Dự thảo Nghị định (cập nhật 04/5/2024) tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/08/Khongso_608793%20(1).doc
Xem cập nhật mới nhất tại: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú