Đề xuất, bổ sung những tài sản không được kê biên

Chủ đề   RSS   
  • #614484 25/07/2024

    gryffin

    Chồi

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:07/03/2024
    Tổng số bài viết (80)
    Số điểm: 1354
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 35 lần


    Đề xuất, bổ sung những tài sản không được kê biên

    Tài sản không được kê biên có thể hiểu nôm na là những tài sản không dùng để thi hành án và được quy định tại Nghị định 166/2013/NĐ-CP. Vừa qua, Dự thảo Nghị định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được công bố và gây chú ý khi đề xuất, bổ sung thêm các quy định về tài sản không được kê biên. Cụ thể thế nào, hãy cùng tìm hiểu. 

    1. Pháp luật hiện tại quy định những tài sản không được kê biên như thế nào?

    Căn cứ Điều 19 Nghị định 166/2013/NĐ-CP (quy định hiện hành), quy định những tài sản không được kê biên như sau:

    - Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú.

    - Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.

    - Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.

    - Đồ dùng thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen.

    - Tài sản phục vụ quốc phòng và an ninh.

    - Tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp.

    Để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người thi hành án dân sự, cũng như đảm bảo an ninh xã hội, nền kinh tế,… pháp luật đã quy định về các trường hợp tài sản không được kê biên như trên, vừa mang ý nghĩa thực tiễn, vừa đảm bảo tính hợp pháp của luật.

    2. Đề xuất, bổ sung những tài sản không được kê biên

    Căn cứ Điều 22 Dự thảo Nghị định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đề xuất, bổ sung những tài sản không được kê biên như sau:

    - Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

    - Tài sản sau đây của đối tượng bị cưỡng chế là cá nhân:

    + Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú.

    + Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.   

    + Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.

    + Đồ dùng thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen.

    + Vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm.

    - Tài sản sau đây của đối tượng bị cưỡng chế là tổ chức:

    + Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn của người lao động.

    + Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh.

    + Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

    Nếu ta so sánh với Điều 19 Nghị định 166/2013/NĐ-CP có thể thấy Dự thảo không chỉ bổ sung những tài sản không được kê biên, mà còn quy định lại điều khoản trên giúp cho nội dung dễ hiểu và sát thực tế hơn, tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho các tổ chức, cá nhân áp dụng.

    Chung quy lại, Nghị định 166/2013/NĐ-CP được ban hành cách đây khá lâu, dẫn đến tỷ lệ và hiệu quả cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bắt đầu khó khăn và cần sự thay đổi, cải tiến. Việc đề xuất, bổ sung những tài sản không được kê biên nói riêng và cả Dự thảo nói chung là việc làm cần thiết để đảm sự công bình và tính đúng đắn của pháp luật.

    Bài được viết theo Dự thảo Nghị định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Tải về
     
    60 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận