Bộ Nội vụ đang dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), theo đó đề xuất thêm một số hành vi bị nghiêm cấm kể từ khi dự thảo Luật này có hiệu lực. Cùng với đó, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
Dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi gồm 55 điều (tăng 13 điều so với Luật Lưu trữ hiện hành), giữ nguyên 02 điều; sửa đổi, bổ sung 33 điều; bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 07 điều của Luật lưu trữ hiện hành.
Bố cục dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 06 chương (giảm 01 chương so với Luật Lưu trữ hiện hành), trong đó có 03 chương kế thừa, 01 chương được xây dựng trên cơ sở ghép 03 chương của Luật Lưu trữ hiện hành và 02 chương được bổ sung mới.
Trong đó, “tài liệu lưu trữ” được giải thích ở Dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi là tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, có giá trị thực tiễn, khoa học, lịch sử và được lựa chọn để lưu trữ lâu dài. Tài liệu lưu trữ bao gồm bản gốc, bản chính; trong trường hợp không còn bản gốc, bản chính thì được thay thế bằng bản sao hợp pháp.
Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về nguyên tắc
Nguyên tắc quản lý tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử và hoạt động lưu trữ như sau:
- Nhà nước thống nhất quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam, cơ sở dữ liệu quốc gia tài liệu lưu trữ điện tử và hoạt động lưu trữ.
- Tài liệu lưu trữ Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam được Nhà nước thống kê.
- Cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam, Cơ sở dữ liệu tài liệu điện tử Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức kết nối liên thông để thực hiện trao đổi dữ liệu,thu thập tài liệu lưu trữ điện tử.
Các hành vi bị nghiêm cấm
Theo Dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi quy định 07 hành vi bị nghiêm cấm như sau:
(1) Chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất tài liệu lưu trữ.
(2) Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu lưu trữ.
(3) Mua bán, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu lưu trữ.
(4) Sử dụng tài liệu lưu trữ vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
(5) Mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái phép.
(6) Truy cập, thay đổi, giả mạo, sao chép, tiết lộ, hủy, chia sẻ trái phép cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử; tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm làm rối loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống điều hành hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại phương tiện quản lý tài liệu lưu trữ điện tử..
(7) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về lưu trữ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Như vậy, so với Luật hiện hành, Dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi đã đề xuất thêm 02 hành vi bị nghiêm cấm giúp vấn đề quản lý vi phạm được chặt chẽ hơn.
Theo đó, ngoài căn cứ quy định của Luật này và Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể và thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính.
Xem chi tiết Dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi lấy ý kiến ngày 12/12/2022.