Vừa qua, một câu chuyện đã gây khá nhiều tranh cãi trong trong thời buổi hiện nay. Đó là việc cha mẹ để lại thừa kế chỉ cho những người con trai, còn đối với những ai là con gái sẽ không được chia tài sản.
Phân biệt đối xử giới tính đối với con vẫn luôn là tình trạng phổ biến tại Việt Nam, một phần là do hệ tư tưởng mặt khác là do ý thức pháp luật ở người dân còn chưa đầy đủ. Điều này, dẫn đến nhiều hệ lụy và việc phân chia tài sản không công bằng, vậy trong trường hợp trên con gái có được chia tài sản?
Nguyên tắc thừa kế di sản được thực hiện ra sao?
Người được hưởng di sản theo di chúc có thể là cá nhân, Nhà nước, pháp nhân và các chủ thể khác với tư cách là tổ chức. Chủ thế được hưởng di sản có thể nằm trong hoặc ngoài diện thừa kế, không phụ thuộc vào các hàng thừa kế theo quy định của pháp luật.
(1) Chia theo di chúc
Nhằm tôn trọng và thực hiện ý nguyện cuối cùng của người lập di chúc thì phụ thuộc vào nội dung của người lập để định đoạt tài sản sau khi người đó qua đời.
Trong mọi trường hợp nếu người để lại thừa kế qua đời mà có di chúc thì phân chia tài sản theo di chúc. Qua đó, việc cha mẹ để lại di sản cho con trai theo di chúc cũng xem như là hợp lý và đây cũng là di nguyện cuối cùng của người lập.
Mặc dù là ưu tiên chia thừa kế theo di chúc, nhưng di chúc chỉ được áp dụng trong trường hợp phù hợp với yêu cầu của pháp luật.
- Điều kiện chung
Thừa kế được xem là một giao dịch dân sự vì vậy phải đáp ứng được điều kiện 117 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
+ Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
+ Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
+ Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Nguyên tắc riêng
Theo Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di chúc hợp pháp là di chúc phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
+ Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
+ Di chúc của người từ đủ 15 tuổi - chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
+ Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Như vậy, nếu người qua đời có để lại di chúc thì sẽ được ưu tiên chia di sản theo di chúc trước nhằm tôn trọng ý nguyện người mất. Tuy nhiên, nếu di chúc vi phạm các quy định chung và riêng của pháp luật thì di chúc được xem như vô hiệu.
Trong trường hợp mà Tòa án xét thấy việc chia di sản theo di chúc có dấu hiệu bất bình đẳng giới trái với đạo đức xã hội, phân biệt đối xử đối với con cái theo khoản 4 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về việc không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ. Thì sẽ xem xét phân chia di sản lại theo hàng thừa kế pháp luật.
(2) Thừa kế theo pháp luật
Để áp dụng thừa kế theo quy định của pháp luật thì trước hết di chúc phải được Tòa án ra quyết định rằng di chúc vô hiệu do vi phạm các quy định pháp luật hoặc thuộc trường hợp người mất không để lại di chúc.
Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định sẽ được thực hiện như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Lưu ý: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã mất, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, theo quy định pháp luật về việc chia di sản theo hàng thừa kế thì con ruột sẽ được ưu tiên ở hàng thừa kế thứ nhất. Nhưng tại quy định này không phân biệt là nam hay nữ vì vậy những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Mức phạt tiền đối với bất bình đẳng giới trong gia đình
Pháp luật và Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi của người xứng đáng được hưởng thừa kế và răn đe người có hành vi ngăn cấm quyền hưởng di sản bởi vì bất bình đẳng giới. Thì cá nhân sẽ bị xử phạt theo Điều 13 Nghị định 125/2021/NĐ-CP như sau:
Phạt 03 triệu - 05 triệu đồng: Đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.
Phạt 05 triệu - 07 triệu đồng: Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình tham gia định đoạt tài sản vì lý do giới tính.
Phạt 07 triệu - 10 triệu đồng: Dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.
Ngoài ra, buộc xin lỗi công khai người bị xâm phạm, chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý và khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm.
Như vậy, nữ là con trong gia đình có cha mẹ để lại thừa kế hoàn toàn có quyền được hưởng di sản nếu có dấu hiệu phân biệt đối xử do bất bình đẳng giới trái với đạo đức xã hội. Trường hợp, có hành vi ngăn cấm tham gia chia tài sản có thể bị phạt đến 10 triệu đồng. Trong thực tế các trường hợp diễn ra thường rất khó giải quyết bởi vì tôn trọng di chúc vẫn là ưu tiên hàng đầu nếu không trái với quy định pháp luật.