Đất đai do ai sở hữu?

Chủ đề   RSS   
  • #220924 19/10/2012

    lawcao

    Male
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:22/07/2010
    Tổng số bài viết (65)
    Số điểm: 1058
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 63 lần


    Đất đai do ai sở hữu?

    Theo Thông báo kết quả của Hội nghị Trung ương 6 vừa kết thúc, thì Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định kết luận đã có trước đó về vấn đề đất đai của Hội nghị Trung ương 5. Nghĩa là, tiếp tục bảo vệ quy định tại Điều 17, 18 Hiến pháp năm 1992 về quyền sở hữu đất đai. Theo đó, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai. Quy định trên của Hiến pháp 1992 được cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 5 Luật Đất đai 2003 như sau: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”.

    Đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện của “toàn dân” trong việc thực hiện quyền sở hữu đất đai đó, thế nhưng, cho đến nay lại chưa có bất kỳ một định nghĩa nào giải thích cho dân hiểu thế nào là “toàn dân”, thế nào là “nhà nước” khi đặt hai chủ thể này trong cấu thành của quyền sở hữu đất đai. Bởi lẽ, quyền sở hữu đất đai cũng là quyền sở hữu một loại tài sản, dù được gọi mơ hồ là loại “tài sản đặc biệt”, thì nó cũng có các thành tố là: chủ thể, khách thể và nội dung của quyền này. Do đó, đứng ở khía cạnh chủ thể của quyền, “toàn dân” là ai, gồm những người nào?

    Làm rõ được khái niệm “toàn dân” với tư cách là chủ thể của quyền sở hữu đất đai dường như là việc không thể. “Sở hữu toàn dân là một khái niệm chính trị, khi triển khai vào các khái niệm pháp lý, không xác định ai có chủ quyền thực sự, do đó mà nó trở nên “trống rỗng”. (Ý kiến của PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa trong tham luận “Sở hữu toàn dân về đất đai và doanh nghiệp Nhà nước: Một số ưu tiên trong chính sách tái cấu trúc nền kinh tế” trình bày tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2012: Tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình thế” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 24/9/2012).  

    Cũng bởi, từ khái niệm mang tính chính trị khác xa với khái niệm pháp lý, nên nếu như Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 2003 xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân với tư cách là chế độ sở hữu, thì Điều 200 Bộ luật Dân sự 2005 lại quy định: “Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên ...”. Như thế, từ lý luận mang nghĩa chính trị khi triển khai vào cụ thể hóa một quyền sở hữu đối với tài sản là đất đai đã không thể nào khớp với nhau, không thể nào đi cùng nhau, tạo nên sự mâu thuẫn, đối chọi, dẫn đến mơ hồ một quyền sở hữu tài sản vô cùng giá trị.

    Từ các vụ cưỡng chế thu hồi đất đai mà sự xung đột giữa quyền lợi của người dân với chính quyền, với chủ đầu tư các dự án như vụ Tiên Lãng - Hải Phòng, Văn Giang - Hưng Yên ... vừa qua cho thấy, vấn đề thay đổi toàn diện, phù hợp chính sách pháp luật đất đai để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân là điều tiên quyết, cần phải có cách nhìn nhận mới mẻ, hợp với xu hướng tất yếu. Chỉ khi ghi nhận quyền sở hữu tư nhận về đất đai bên cạnh các hình sức sở hữu khác là sở hữu Nhà nước về đất đai, sở hữu tập thể về đất đai thì người dân mới cảm nhận được thực sự đó là tài sản của mình. Và chỉ khi đó, họ mới thực sự có được các quyền năng của một người có tài sản là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với tài sản của mình.

    Dĩ nhiên, đất đai là tài sản gắn liền, có quan hệ chặt chẽ với các yếu tố quan trọng khác liên quan đến lãnh thổ, an ninh quốc gia, lịch sử, văn hóa, kinh tế ... của quốc gia, nên việc hướng dẫn, quy định cách sử dụng các quyền ấy sao cho phù hợp với lợi ích của cá nhân và lợi ích xã hội, lợi ích của Nhà nước là điều cần phải bàn đến. Rồi chúng ta ghi nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai nhưng bên cạnh đó vẫn có các hình thức sở hữu khác là sở hữu của Nhà nước, của tập thể đối với những loại đất đai, vị trí đất đai khác nhau nên vẫn đảm bảo được quyền lợi quốc gia, lợi ích công cộng.

    Lờ đi quyền sở hữu tư nhân về đất đai sẽ là nguyên nhân chính yếu đẻ ra hệ lụy tùy tiện thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ đất đai không đúng với nguyện vọng của dân, không ngang giá với thị trường. Cũng chính sự mập mờ mang tên sở hữu toàn dân về đất đai, quy định chung chung về Nhà nước đại diện quyền sở hữu như hiện nay dẫn đến trong nhiều trường hợp không biết ai là “Nhà nước”, là chính quyền trung ương hay chính quyền địa phương, do đó dẫn đến những quyết định thu hồi đất đai vô tội vạ, tước đi quyền lợi của người dân nhưng lại để đất đai rơi vào tay các nhóm lợi ích, khiến cả quyền lợi của người dân lẫn lợi ích quốc gia không được bảo vệ. Hậu quả là đất đai vì hiện tượng mua chính sách, vấn nạn tham nhũng sẽ được chuyển từ người dân nghèo sang tay các đại gia giàu có với giá rất thấp. Nhưng bằng động tác đầu tư trở lại, các nhóm lợi ích này là bán ra với giá đắt đỏ cho người dân có nhu cầu nhà ở, người dân có nhu cầu mặt bằng. Trường hợp khác thì đất đai bị thu hồi để rồi bỏ hoang bởi những dự án “treo” không có điểm dừng, nhưng dân chẳng được trao quyền gì một cách thực sự đối với tài sản đó nên không thể đòi lại.

    Không phải ngẫu nhiên, các chuyên gia hàng đầu về pháp luật ��ất đai, kinh tế như GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nguyên Bộ trưởng bộ Tư  pháp Nguyễn Đình Lộc, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A ... đã nhiều lần đăng đàn kêu gọi cần phải sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật đất đai 2003 theo hướng ghi nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Ngay cả một chính quyền địa phương được coi là có nhiều “kinh nghiệm” hay trong việc thực hiện chính sách thu hồi đất của dân để phân lô, bán nền, lấy tiền đầu tư lại cho cơ sở hạ tầng là thành phố Đà Nẵng, cũng đã có những kiến nghị cần phải quy định quyền sở hữu tư nhân về đất đai rất mạnh mẽ trong thời gian qua.

    Như vậy, đất đai do ai đó sở hữu chứ không phải của người dân A hay người dân B. “Toàn dân” là người nào, là ai thì rõ ràng toàn dân ta không ai biết. Tư duy và quan niệm mơ hồ về quyền sở hữu toàn dân về đất đai đã tạo ra bất cập và vấp váp không phù hợp trong thực tế, đó mới là nền móng, gốc rễ tạo ra những hệ lụy không đáng có trong công tác quản lý đất đai thời gian qua. Sửa Hiến pháp và sửa Luật Đất đai mà lại không sửa được những sai lầm cơ bản đó, thì rồi mọi nổ lực để tìm cách quản lý được đất đai tốt hơn sẽ không thể thành sự thực.

    LÊ CAO

     

     

    Luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN,

    193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng,

    www.fdvn.vn ĐT: 05113. 890 568

    ..................................................Chơi với phù phiếm!......................

     
    53511 | Báo quản trị |  
    4 thành viên cảm ơn lawcao vì bài viết hữu ích
    YenNguyen_ (29/11/2012) mr_tran221 (28/10/2012) JiMoon (24/10/2012) SAdmin (19/10/2012)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #221136   20/10/2012

    lawcao
    lawcao

    Male
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:22/07/2010
    Tổng số bài viết (65)
    Số điểm: 1058
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 63 lần


    Ngoài sở hữu tư nhân, còn các hình thức sở hữu khác nữa là sở hữu Nhà nước, sở hữu của tập thể. Đối với những gì không thể xâm phạm vào thì chắc chắn quốc gia nào cũng không để bị xâm phạm. 

    Vậy, phải chăng rất nhiều quốc gia khác trên thế giới đã không ổn định phát triển đất nước là do  công nhận sở hữu tư nhân về đất đai. 

    Nếu một đất nước gắn mác ổn định mà nghèo đói, thống khổ, rồi có sự mâu thuẫn âm ỉ dẫn đến những vụ như Tiên Lãng, Văn Giang thì có phải thực đã ổn định không? 

    Hệ quả của tư hữu về tư liệu sản xuất, tài sản là đất đai là gì?

    Toàn dân có đúng không?

    Hay chúng ta chỉ sợ mơ hồ mà không xác định được về điều đó. 

    Vấn đề này tất nhiên còn nhiều điều bàn luận, nhưng chắc chắn một điều là cần có sự khảo cứu sâu hơn nữa để không phải mắc những sai lầm ... 

     

    Luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN,

    193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng,

    www.fdvn.vn ĐT: 05113. 890 568

    ..................................................Chơi với phù phiếm!......................

     
    Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn lawcao vì bài viết hữu ích
    SAdmin (20/10/2012) YenNguyen_ (29/11/2012)
  • #223102   30/10/2012

    Mình thấy tư hữu đất đai cũng tốt thôi, nhưng liệu tư hữu rồi có được êm thấm hay lại phát sinh ra các vấn đề khác, xong lại phải xem lại, phải vá, phải sửa như hiện giờ. Không phải cái gì áp dụng cho nuớc khác cũng có thể áp dụng cho ta đâu. Nên các nhà làm luật cũng phải tính toán, suy nghĩ.

     

    Sở tư hữu là đất thuộc về nhân dân vậy bây giờ đưa ra ví dụ: "Bây giờ Nhà nước muốn quy hoạch, đất này của tui, tui không muốn bán, Nhà nước đi chỗ khác", vậy thì sao thực hiện quy hoạch được. Tuy nhiên theo mình thì, đất đai cũng nên tư hữu, vì nó cũng có cái hay của nó, ví dụ như sử dụng đất làm nông nghiệp thì người dân có thể an tâm cày mà không sợ đất bị thu hồi.

     

    Nói chung là vấn đề này rất phức tạp, đòi hỏi bám nhiều hơn vào thực tiễn thay vì cứ lý luận xong rồi không hạp rồi thay đổi như hiện nay. Mình nghĩ các nhà làm luật nên xuống tận nơi để xem xét tình hình, đánh giá thay vì cứ ngồi ở trên mà phán thì may ra mới đưa ra được những ý kiến làm giảm bất cập ở vấn đề này đuợc.

     

    (cái này ý kiến cá nhân thôi, không đúng cũng xin các bạn bỏ qua nha ^^)

     
    Báo quản trị |  
  • #249082   17/03/2013

    congtygiaoducvutan
    congtygiaoducvutan
    Top 500
    Male
    Lớp 2

    Thanh Hoá, Việt Nam
    Tham gia:14/02/2013
    Tổng số bài viết (337)
    Số điểm: 3871
    Cảm ơn: 7
    Được cảm ơn 77 lần


    NHÀ NƯỚC VÀ TƯ NHÂN ĐỀU LÀ CHỦ SỞ HỮU ĐẤT ĐAI

                                                                                                       Lê Minh Vũ - Thanh Hóa

         Căn cứ Hiếp pháp 1992, dự thảo Hiến pháp 2013, các văn bản Pháp luật quy định và tình hình thực tế chúng tôi khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là từ chung, trong đó bao hàm nhiều hình thức sở hữu riêng. Với hình thức chủ sở hữu là nhà nước và chủ sở hữu là tư nhân là cơ bản nhất.

         Trường hợp đất đai do cá nhân, hộ gia đình có từ trước luật đất đai (trường hợp này Luật mặc nhiên công nhận sự thật quá khứ về chủ sở hữu, đồng thời định hướng thi hành theo luật định), đầu tư đất và đầu trên đất bằng tài chính tư nhân thì chủ sở hữu đất đai phải là Tư nhân.

         Trường hợp đất đai không xác định là của tư nhân, nhà nước đầu tư thì chủ sở hữu là nhà nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với điều 57: "Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật".

    CHỨNG MINH ĐẤT ĐAI, CHỦ SỞ HỮU LÀ TƯ NHÂN

         Sinh ra và lớn lên từ làng quê nông thôn Việt Nam tôi cũng như bao người đều hiểu rằng: Đất đai là công cụ sản xuất, là nguồn sinh sống và là tài sản duy nhất có giá trị của dân nghèo, khi nhà họ chỉ là "kèo tre, vách đất", che mưa, che nắng. Vật dụng chỉ xếp vào hạng "chai chai" không đáng giá. Không phải chỉ vì câu thành ngữ: "Có đẻ mới thấy đau" mà người nông dân chúng tôi lập luận theo ý mình, để làm sao có lợi. Chúng tôi tham gia định danh chủ sở hữu đất đai là nhằm giữ lại quyền lợi chính đáng, nhưng không nói theo cách hiểu mà hoàn toàn áp dụng theo Hiến pháp và Pháp luật quy định như điếu 49 Dự thảo Hiến pháp đã nêu.

         Đất đai nguồn sinh sống. Trong khi dự thảo Hiến pháp quy định tại điều 21: "Mọi người có quyền sống" vì có quyền sống nên nguồn sinh sống được nhà nước bảo hộ và không thể tách rời quyền sống, bởi nếu cắt nguồn sinh sống thì cụm từ quyền sống sẽ trở thành vô nghĩa.

         Đất đai là tư liệu sản xuất. Như vậy đương nhiên đất đai thuộc quyền sở hữu tư nhân quy định tại điều 33: "Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 57 và Điều 58".

         Đất đai là tài sản duy nhất có giá trị của nông dân (nghèo). Tại điều 54 dự thảo Hiến pháp quy định:

    "1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế;

    2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật".

         Như vậy người nông dân cũng là một thành phần kinh tế, hình thức sở hữu cơ bản là đất đai. Qua phần chứng minh lý giải trên đây, rõ ràng đất đai một phần chủ sở hữu là tư nhân, phần còn lại chủ sở hữu thuộc về nhà nước.

         Điều 58 dự thảo 2013 quy định:

    "1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật;.

    2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. 

    3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội."

         Với quy định này nhà nước đã toàn quyền quản lý, định đoạt về giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thậm chí là thu hồi bất thường vì lợi ích quốc gia. Trong trường hợp này mà nhà nước lại là chủ sở hữu toàn bộ về đất đai thì sẽ đồng nghĩa với nhà nước đã quốc hữu hóa về đất đai. Khi đó người dân sống trên đất, làm trên đất, cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sự liên tưởng như mình là một công nhân vào nhà máy, được giao quyền vận hành máy, làm hưởng lương còn nhà xưởng, máy móc là của ông chủ.

         Trên diễn đàn dân luật mỗi người có mỗi cách nói, có mỗi cách suy diễn, lập luận mong sao "được điểm". Nhưng tất cả chúng ta nên lấy căn cứ pháp lý làm đầu. Dù sao thì sự thật về quá khứ chúng ta cần tôn trọng và công nhận nó, có thư thế mới gọi là Nhà nước của dân, do dân và vi dân !

     

     

     

    ĐẤT ĐAI DO AI SỞ HỮU ?. CÂU TRẢ LỜI TỪ NÔNG DÂN !

    Căn cứ Hiếp pháp 1992 và dự thảo Hiến pháp 2013, đã phù hợp với tình hình thực tế khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là từ chung, trong đó có chủ sở hữu là nhà nước và chủ sở hữu là tư nhân, hộ gia đình là từ riêng.

    Trường hợp đất đai do cá nhân, hộ gia đình có từ trước luật đất đai, đầu tư đất và đầu trên đất của mình thì chủ sở hữu thuộc Tư nhân.

    Trường hợp đất đai không xác định là của tư nhân, nhà nước đầu tư thì chủ sở hữu là nhà nước điều này hoàn toàn phù hợp với điều 57: "Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật".

    CHỨNG MINH ĐẤT ĐAI, CHỦ SỞ HỮU LÀ TƯ NHÂN

    Sinh ra và lớn lên từ làng quê nông thôn Việt Nam tôi cũng như bao người đều hiểu rằng: Đất là công cụ sản xuất, là nguồn sống và là tài sản duy nhất có giá trị của dân nghèo, khi nhà họ chỉ là "kèo tre, vách đất", che mưa, che nắng. Vật dụng chỉ xếp vào hạng "chai chai" không đáng giá. Không phải chỉ vì câu thành ngữ: "Có đẻ mới thấy đau" mà người nông dân chúng tôi nói đại để làm sao có lợi cho riêng mình. Chúng tôi tham gia định danh chủ sở hữu là nhằm giữ lại quyền lợi chính đáng, nhưng không nói theo cách hiểu mà hoàn toàn làm theo Hiến pháp và Pháp luật quy định (Điếu 49 Dự thảo Hiến pháp).

         Nhận định đất đai nguồn sinh sống, thì dự thảo Hiến pháp quy định tại điều 21: "Mọi người có quyền sống" vì có quyền sống nên nguồn sống được nhà nước bảo hộ và không thể tách rời quyền sống, bởi nếu cắt nguồn sống thì cụm từ quyền sống sẽ trở thành vô nghĩa.

         Xác định đất đai là tư liệu sản xuất thì đương nhiên đất đai thuộc quyền sở hữu của người dân quy định tại điều 33: "Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 57 và Điều 58".

     

     

    Cập nhật bởi congtygiaoducvutan ngày 17/03/2013 03:56:46 CH Cập nhật bởi congtygiaoducvutan ngày 17/03/2013 03:45:28 CH Cập nhật bởi congtygiaoducvutan ngày 17/03/2013 03:00:24 CH Cập nhật bởi congtygiaoducvutan ngày 17/03/2013 02:59:11 CH Cập nhật bởi congtygiaoducvutan ngày 17/03/2013 02:53:59 CH

    * THÀNH VIÊN DÂN LUẬT, Tên đăng nhập CongTyGiaoDucVuTan hoặc LeMinhVuThanhHoa.

    * Kết nối trực tiếp Facebook của Công Ty Giáo Dục Vũ Tấn nhấn: https://www.facebook.com/leminhvu1967

    * Kết nối trực tiếp Facebook cá nhân nhấn: https://www.facebook.com/LeMinhVuThanhHoa/reviews?pnref=lhc hoặc 0913128167

    * Kết nối Bài viết Blog: http://leminhvuthanhhoa.blogspot.com/

    * Kết nối G+: https://plus.google.com/+minhvuLeCongTyGiaoDucVuTan_ThanhHoa/posts

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn congtygiaoducvutan vì bài viết hữu ích
    lawcao (17/03/2013)