Đề xuất thêm nhiều công trình miễn giấy phép xây dựng
Các bộ vừa đề nghị mở rộng đối tượng được miễn giấy phép xây dựng, trong đó có các công trình xây dựng thuộc dự án phát triển đô thị, nhà ở đã có quy hoạch chi tiết 1/500 và đã được thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công.
Đây là một trong những đề xuất của Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 đang diễn ra, liên quan đến nhiệm vụ rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định 59 năm 2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Tại Nghị quyết số 60 ngày 8/7/2016 của Chính phủ về những giải pháp, nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2016, Chính phủ đã giao nhiệm vụ nói trên cho Bộ Xây dựng.
Trước đó, tại Nghị quyết 19 năm 2016, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng theo Nghị định số 59. Các vướng mắc này dẫn tới kéo dài thời gian cấp phép xây dựng và làm tăng chi phí rất lớn đối với doanh nghiệp.
Nay sau một thời gian rà soát, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Hà, có một số vướng mắc phát sinh từ thực tế thực hiện Nghị định 59.
Trong đó, đáng chú ý là giấy phép xây dựng, nhiều ý kiến đề nghị nên mở rộng đối tượng được miễn giấy phép xây dựng đối với một số loại công trình để đơn giản hóa thủ tục vì những công trình này, Nhà nước đã kiểm soát thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng và kiểm tra công tác nghiệm thu.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, việc này chỉ có thể thực hiện được khi sửa đổi Luật Xây dựng, cụ thể là Điều 89 về các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. Hiện, Chính phủ đang cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh, trong đó có Luật Xây dựng.
Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung thêm đối tượng được miễn giấy phép xây dựng, bao gồm:
- Công trình xây dựng thuộc dự án phát triển đô thị, nhà ở đã có quy hoạch chi tiết 1/5000 được phê duyệt và đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công.
- Công trình xây dựng thuộc dự án được Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước… quyết định đầu tư.
Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh, Bộ Tư pháp đã đề xuất đưa 2 đối tượng trên vào diện được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp bổ sung thêm một đối tượng nữa là công trình xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt dưới 20 m2; biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt dưới 20 m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn; bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt dưới 40 m2.
Ngoài ra, một nội dung đáng chú ý cũng trong dự thảo Luật trên là rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 25 ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, việc miễn giấy phép với những đối tượng đã có quy hoạch chi tiết 1/500 là đề nghị tha thiết của các doanh nghiệp và nếu được thực thi sẽ tháo gỡ rất nhiều cho doanh nghiệp.
Bởi theo Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực từ 1/1/2015 thì nhiều đối tượng đã có quy hoạch chi tiết 1/500 vẫn phải xin phép, trừ nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2. Trong khi đó, ông Đực lấy ví dụ, gần như toàn bộ (đến 99%) các dự án phát triển nhà ở dạng chung cư tại TPHCM đều trên 7 tầng.
Phân cấp thẩm định dự án, thiết kế và dự toán
Riêng đối với Nghị định 59, Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình tại Nghị định này theo hướng tăng cường phân cấp, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư, người quyết định đầu tư trong triển khai dự án.
Cụ thể như phân cấp thẩm quyền thẩm định dự án, thiết kế và dự toán cho người quyết định đầu tư với các dự án dưới 5 tỷ đồng trong trường hợp đầu tư xây dựng công trình từ cấp III trở xuống, sửa chữa, cải tạo công trình…
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất sửa đổi một số quy định về năng lực hoạt động xây dựng. Cụ thể sửa quy định về chứng chỉ an toàn lao động tại Điều 51 Nghị định theo hướng không quy định chứng chỉ riêng mà tuân thủ quy định chung của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; bỏ quy định phải có một loại chứng chỉ hành nghề khác thì được cấp chứng chỉ hành nghề kiểm định xây dựng…
Kết luận về vấn đề này, tại phiên họp ngày 2/8, Thủ tướng chỉ rõ, Nghị định 59 có một số điểm rắc rối làm thủ tục kéo dài, vừa làm chậm giải ngân, vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 60, sớm trình dự thảo sửa đổi Nghị định 59, lấy ý kiến các địa phương, Bộ Tư pháp thẩm định, Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để thông qua, ban hành trong tháng 7.
Trước đó, trong phiên họp ngày 1/8, Thủ tướng đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh, trong đó có nội dung về Luật Xây dựng, để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.