Phát hiện trộm đột nhập vào nhà, mang theo hung khí, nhiều người cho rằng cần phải tấn công hoặc chống trả để bảo vệ tài sản của mình thay vì sợ hãi ngoan ngoãn nghe lời. Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì đâu là ranh giới giữa tự vệ và cố ý gây thương tích hay giết người? Chúng ta nên làm gì khi gặp trường hợp này?
Phòng vệ chính đáng và phạm tội - Minh họa
Ở đây, ta sẽ chia làm 2 trường hợp để phân tích
1/ Kẻ trộm mang hung khí và chưa có dấu hiệu dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực
2/ Kẻ trộm dùng vũ lực để khống chế hoặc bỏ chạy
Trường hợp 1: Kẻ trộm chưa dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực
Không phải lúc nào kẻ trộm cũng khống chế (trói, đánh thuốc mê) chủ nhà, tức là bạn hoàn toàn vẫn tỉnh táo và có thể quan sát thấy hành vi của kẻ trộm. Trong trường hợp này, nhiều chuyên gia, luật sư cũng như phía công an khuyên người dân nên cố gắng ghi nhớ các đặc điểm nhận dạng của tên trộm, nếu được thì có thể lén ghi âm, ghi hình.
Việc chống trả bằng tay không với người đang có hung khí là cực kỳ nguy hiểm, bởi lẽ đã có nhiều võ sư khẳng định dù có học võ giỏi đến đâu thì người cầm hung khí luôn luôn có lợi thế! Trước khi có thể gây thương tích cho kẻ trộm, rất có thể chính bạn mới là người gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, giả sử bạn tự tin vào khả năng của mình và biết chắc mình có thể khống chế, tấn công ngược lại đối thủ, lúc này chúng ta cần phải xét tới khái niệm “phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
“Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.”
Ở đây, chúng ta cần chú ý việc phòng vệ nhằm chống trả hành vi “xâm phạm lợi ích” – như vậy nếu tên trộm chưa tấn công bạn thì việc phòng vệ chỉ được xem là chính đáng khi nó nằm trong khuôn khổ mục đích “chống trả hành vi xâm phạm quyền tài sản”
Nếu hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì sẽ bị xem là “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”
Điều này có nghĩa, hành vi tấn công của bạn phải dừng lại ở mức vừa đủ để tên trộm từ bỏ ý định trộm tài sản, nhưng để xác định như thế nào là vừa đủ thì thực sự không phải là điều đơn giản, bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện, hoàn cảnh và cả ý thức thực hiện hành vi đặc biệt là bao gồm cả đánh giá chủ quan của người tiến hành tố tụng.
Lời khuyên ở đây là: Để đảm bảo hành động của bạn là “vừa đủ” thì hãy ngừng ngay việc tấn công khi thấy đối phương buông vũ khí, vứt lại đồ đạc đã trộm, có ý định tẩu thoát hoặc không còn sức chống cự. Như vậy mục đích của bạn không phải là gây thương tích cho đối phương mà chỉ là loại bỏ, chống cự lại hành vi xâm phạm quyền sở hữu tải sản.
Trường hợp 2: Kẻ trộm dùng vũ lực để khống chế bạn hoặc bỏ chạy
Khi kẻ trộm dùng vũ lực tấn công, lúc này hành vi không chỉ xâm phạm quyền tài sản mà còn xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của bạn.
Trường hợp này, việc phòng vệ của bạn sẽ được xem là vì mục đích chống cự lại hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể.
Lúc này, phòng vệ chính đáng phải nằm trong giới hạn “phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”, thông thường sẽ được xem xét trên một số cơ sở:
- Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra (tức là sự tấn công của kẻ trộm có thể lớn đến mức nào)
- Sức mãnh liệt của hành vi tấn công
- Tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện mà kẻ tấn công sử dụng
- Khả năng, sức lực của người phòng vệ (tức là bạn)
Ở đây, cần lưu ý sự “phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại” được hiểu là hành vi tự vệ phải có tính cân bằng về cơ học với hành vi tấn công. Chẳng hạn người tấn công dùng dao, bạn được phép dùng dao để kháng cự, tuy nhiên nếu bạn dùng hẳn một vật có tính sát thương cao hơn thì rất có thể bị xem là “vượt quá giới hạn”
Ngoài ra, Tòa án cũng phải xem xét những yếu tố liên quan đến điều kiện, hoàn cảnh. Nếu bạn bị kẻ cầm dao tấn công nhưng xung quanh lại không có một vũ khí nào khác mà chỉ có một thanh mã tấu thì việc dùng vũ khí có sức sát thương cao hơn chưa hoàn toàn bị xem là vượt quá giới hạn phòng vệ. Lúc này cần căn cứ vào khả năng, sức tấn công mà bạn có.
Giả sử sau khi bạn chém một nhát vào tay của tên trộm, hắn mất máu và làm rớt dao, hoặc đã lùi về bỏ chạy, né tránh,... cần hiểu rằng lúc này bạn đã loại bỏ được hành vi xâm phạm lợi ích mà tên trộm thực hiện, hắn đã không còn tiếp tục tấn công hay trộm tài sản. Lúc này nếu bạn vẫn cố tình đuổi đánh, tấn công thêm thì sẽ bị xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng!
Như vậy, cần hiểu rằng mấu chốt của việc “phòng vệ chính đáng” là phòng vệ tương xứng với hành vi xâm phạm quyền, lợi ích mà đối phương gây ra cho bạn. Trong đó mục đích của phòng vệ là loại bỏ hành vi xâm phạm, tức là ngay khi đối phương có biểu hiện ngừng hành vi tấn công, trộm cắp,... thì bạn cũng phải ngưng hành vi tấn công!
Khi bạn chống trả vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như tên trộm bị thương nặng hoạt thiệt mạng, hành vi của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ nghiêm trọng, tuy nhiên sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm, hoặc bị truy cứu 1 trong 2 tội: “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”; “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.