Đăng ký Trung tâm hoạt động Tư vấn Giáo dục Tâm lý

Chủ đề   RSS   
  • #610002 28/03/2024

    Đăng ký Trung tâm hoạt động Tư vấn Giáo dục Tâm lý

    Trường hợp muốn đăng ký doanh nghiệp hoặc Trung tâm hoạt động trong lĩnh vực Tư vấn Giáo dục Tâm lý (có dạy trẻ bán trú ăn ở tại trung tâm/trường trong ngày) thì thủ tục như thế nào? Chỉ dạy kỹ năng cho trẻ chậm phát triển, không điều trị chữa trị.

    Vị trí pháp lý và các loại hình của Trung tâm

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 mục II Điều 1 Quyết định 1929/QĐ-TTg định nghĩa Trẻ tự kỷ, trẻ rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển được hiểu là những người có vấn đề sức khỏe tâm thần, gồm: chậm phát triển trí tuệ, nghiện chất kích thích; rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý; người bị rối loạn stress sau sang chấn tâm lý, là nạn nhân của sự xâm hại, của bạo lực gia đình và học đường; người khuyết tật dạng tâm thần kinh, tâm thần khác.

    Căn cứ Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT quy định như sau:

    Trung tâm được tổ chức theo hai loại hình: công lập và tư thục

    - Trung tâm công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu;

    - Trung tâm tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

    Để thành lập trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập thì trước tiên cần thành lập doanh nghiệp

    Thành phần hồ sơ:

    (1) Văn bản đề nghị thành lập trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập.

    (2) Đề án thành lập trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập theo quy định hiện hành về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, Nội dung Đề án bao gồm:

    - Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;

    - Mục tiêu, phạm vi hoạt động và danh mục dịch vụ sự nghiệp công đơn vị dự kiến cung cấp;

    - Loại hình và tên gọi của đơn vị sự nghiệp công lập;

    - Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức;

    - Cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động và mức độ tự chủ tài chính;

    - Báo cáo giải trình về việc đáp ứng các tiêu chí, điều kiện thành lập;

    - Dự kiến về nhân sự (trong đó xác định rõ số lượng cấp phó của đơn vị theo quy định tại Điều 6 Nghị định 120/2020/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết của bộ quản lý ngành, lĩnh vực); vị trí việc làm, số lượng người làm việc theo vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, kinh phí hoạt động, trụ sở làm việc, trang thiết bị và phương tiện làm việc cần thiết;

    - Phương án tổ chức thực hiện và lộ trình triển khai hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập;

    - Kiến nghị của cơ quan, tổ chức xây dựng đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có);

    - Các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

    Nơi nộp hồ sơ: Sở Nội vụ.

    Phương thức nộp hồ sơ:

    - Nộp trực tiếp;

    - Nộp qua đường bưu điện.

    Thời hạn giải quyết:

    - Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan có tổ chức thẩm định. Đối với những vấn đề chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau thì Sở Nội vụ yêu cầu tổ chức đề nghị thành lập có văn bản giải trình bổ sung làm rõ và báo cáo Sở Nội vụ.

    - Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Sở Nội vụ có văn bản thẩm định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cho phép thành lập trung tâm; nếu không đồng ý thì có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ lý do.

    Điều kiện hoạt động giáo dục của Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập

    Sau khi được cho phép thành lập, trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập hoạt động giáo dục cần đáp ứng các điều kiện sau:

    (1) Có cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm người khuyết tật, gồm:

    - Trụ sở, phòng làm việc của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

    - Phòng học, phòng chức năng tương ứng để thực hiện các hoạt động của trung tâm.

    - Khu nhà ở cho học sinh đối với trung tâm có người khuyết tật nội trú.

    - Phương tiện, thiết bị, công cụ sử dụng để đánh giá, can thiệp, dạy học, hướng nghiệp, dạy nghề.

    - Tài liệu chuyên môn, tài liệu hỗ trợ bảo đảm thực hiện các hoạt động của trung tâm.

    (2) Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục có trình độ chuyên môn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật.

    (3) Nội dung chương trình giáo dục và tài liệu bồi dưỡng, tư vấn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật.

    Thủ tục để trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập hoạt động giáo dục

    Thành phần hồ sơ:

    - Văn bản đề nghị cho phép hoạt động giáo dụctrong đó nêu rõ điều kiện đáp ứng hoạt động tương ứng với các nhiệm vụ.

    - Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định cho phép thành lập trung tâm.

    Nơi nộp hồ sơ: Trung tâm gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Sở Giáo dục và Đào tạo.

    Thời hạn giải quyết:Trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức thẩm định các điều kiện hoạt động và quyết định cho phép trung tâm hoạt động giáo dục. Nếu chưa cho phép hoạt động giáo dục thì có văn bản thông báo cho trung tâm nêu rõ lý do và hướng giải quyết.

    Về vấn đề an toàn thực phẩm:

    Điều kiện về an toàn thực phẩm trong trường học có bếp ăn nội trú, bán trú được quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT như sau:

    (1) Bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo khoản 1, khoản 2, khoản 3, mục VI và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo khoản 5 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07:2010/BYT) phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư 46/2010/TT-BYT. Cụ thể:

    * Nhà ăn, căng tin:

    - Thông thoáng, đủ ánh sáng; cửa sổ phải có lưới để chống chuột, ruồi, nhặng, gián hoặc các côn trùng có hại khác;

    - Tường, trần nhà và sàn nhà phải nhẵn, bằng phẳng, hạn chế các khe rãnh, góc cạnh, gờ dễ bám bụi, chất bẩn, thuận tiện cho việc làm vệ sinh và khử trùng;

    - Bàn, ghế, dụng cụ, phương tiện phải được làm bằng vật liệu dễ cọ rửa. Có đủ các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho việc làm vệ sinh và khử trùng;

    - Dụng cụ chứa thức ăn và sử dụng để ăn uống phải được làm bằng vật liệu dễ làm vệ sinh và  không thôi nhiễm yếu tố độc hại;

    - Có phương tiện bảo quản thực phẩm;

    - Có hệ thống cung cấp nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn;

    - Có phương tiện phân loại, thu gom và vận chuyển rác, thực phẩm, thức ăn thừa; các dụng cụ chứa đựng rác phải được làm bằng vật liệu chắc chắn, có nắp đậy và thuận tiện cho việc làm vệ sinh.

    * Nhà bếp:

    Ngoài việc đáp ứng các điều kiện đối với nhà ăn, căng tin quy định tại khoản 1 Mục VI Phần II của Quy chuẩn này, phải đáp ứng thêm các điều kiện quy định tại Điều 9 của Quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống ban hành kèm theo Quyết định 41/2005/QĐ - BYT ngày 08/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

    * Kho chứa thực phẩm:

    - Bảo đảm lưu thông không khí; đủ ánh sáng; cửa sổ phải có lưới chống chuột, ruồi, nhặng, gián và các côn trùng có hại khác;

    - Tường, trần nhà và sàn nhà phải kết cấu bằng vật liệu kiên cố và bảo đảm nhẵn, bằng phẳng, hạn chế các khe rãnh, góc cạnh, gờ dễ bám bụi, chất bẩn, thuận tiện cho việc làm vệ sinh và khử trùng;

    - Có phương tiện, dụng cụ để phân loại, bảo quản và lưu giữ thực phẩm.

    * Yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm:

    - Chỉ sử dụng các lương thực, thực phẩm có nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm.

    - Thực phẩm phải được làm sạch trước khi chế biến;

    - Quá trình chế biến, phân phối, sử dụng, lưu giữ phải thực hiện theo các quy định của Bộ Y tế về an toàn thực phẩm;

    - Thức ăn, thực phẩm, đồ uống phải được che chắn tránh ruồi, nhặng dán chuột và sự xâm nhập của các động vật khác;

    - Thực hiện ăn chín, ăn ngay sau khi thức ăn được chế biến. Chỉ sử dụng thức ăn, thực phẩm trong ngày. Không được sử dụng lại thức ăn, thực phẩm thừa; thức ăn sau chế biến 3-4 giờ phải được làm nóng trước khi sử dụng.

    - Dụng cụ chế biến thức ăn và sử dụng trong ăn uống phải được rửa bằng nước sạch và chất tẩy rửa theo quy định của Bộ Y tế, lau khô và cất giữ ở tủ kín tránh chuột, gián và các côn trùng có hại khác;

    - Sàn nhà, bếp, bàn ghế và các dụng cụ phục vụ cho việc ăn uống phải được lau, rửa hàng ngày bằng chất tẩy rửa và nước sạch; Hàng tuần, thực hiện tổng vệ sinh và khử trùng nhà bếp, nhà ăn, căng tin.

    - Không để gia súc, gia cầm hoạt động trong ở khu vực nhà bếp, nhà ăn, căng tin;

    Trường hợp sử dụng dịch vụ cung cấp thức ăn sẵn thì phải lựa chọn các cơ sở có đủ điều kiện bảo đảm toàn thực phẩm theo quy định.

    (2) Bếp ăn, nhà ăn (khu vực ăn uống), căng tin trong trường học bảo đảm theo quy định tại Điều 4 Thông tư 30/2012/TT-BYT. (Thông tư 30/2012/TT-BYT hết hiệu lực ngày 12/11/2018)

    (3) Đối với người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn trong trường học phải bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe theo quy định tại Thông tư 15/2012/TT-BYT. (Thông tư 15/2012/TT-BYT hết hiệu lực ngày 12/11/2018)

    ===>> Theo đó, để thành lập trung tâm hoạt động trong lĩnh vực Tư vấn Giáo dục Tâm lý cho trẻ em cần thực hiện các quy trình và đáp ứng điều kiện nêu trên

     
    37 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận